Ai lên Lai Châu mà chưa đi biên giới thì như chưa đến Lai Châu. Và nếu đến biên giới Lai Châu hỏi về cán bộ biên phòng “Minh đen” thì hầu như ai cũng biết. Cơ duyên cầm bút đã cho tôi chứng kiến, đồng hành và cảm động trước cuộc đời nhiều đồng đội quân hàm xanh mà tâm huyết của họ trọn đời dành cho biên ải, trong đó có Đại tá Phan Hồng Minh.

Chính ủy có tấm lòng nhân hậu

Đầu năm 2016, cô bé người Dao Tẩn Tả Mẩy, 9 tuổi, ở xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ bị bệnh nặng về mắt mà nhà nghèo quá không có tiền chữa bệnh. Mắt em bị viêm, mưng mủ sưng lồi ra như cái chén. Bố mẹ mời thầy cúng về "đuổi con ma đi" nhưng mãi em không khỏi. Có cô giáo vùng cao thương quá chụp ảnh Mẩy gửi về cho Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy BĐBP tỉnh Lai Châu. Anh Minh liền chỉ đạo cán bộ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Biên phòng tỉnh lặn lội đến tận gia đình tìm hiểu. Thấy bệnh tình của em nặng quá, anh Minh tiếp tục huy động các nhà hảo tâm ủng hộ và đưa Mẩy về Hà Nội phẫu thuật tại Viện Mắt Trung ương. Mổ xong, Tẩn Tả Mẩy về học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên Mẩy không hòa nhập được, anh Minh lại trực tiếp xuống kiểm tra rồi cho đón em về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu. Anh cùng vợ là Thiếu tá Sỹ Kiều Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở BĐBP tỉnh, nhận đỡ đầu và kêu gọi làm được 3 sổ tiết kiệm trị giá 34 triệu đồng dành cho Mẩy. Anh Minh nói với tôi, từ giờ đến lúc nghỉ hưu, anh sẽ cố gắng vận động các nhà hảo tâm được 100 triệu đồng để Tẩn Tả Mẩy sau 18 tuổi có thể tự lo cho cuộc sống… Em bé người Dao bây giờ lớn phổng phao nhưng nói tiếng phổ thông vẫn còn chưa sõi. Chẳng biết cảm ơn ân nhân của mình ra sao nhưng mỗi lần gặp Đại tá Phan Hồng Minh, nước mắt Tẩn Tả Mẩy cứ tự nhiên trào ra.

Đại tá Phan Hồng Minh trao quà và học bổng tặng học sinh Trường THCS Pa Vây Sử, huyện Mường Tè.

Chuyện về Tẩn Tả Mẩy chỉ là một trong số rất nhiều số phận đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới Lai Châu đã được Đại tá Phan Hồng Minh và đồng đội cưu mang, giúp đỡ. Nhiều năm qua, người dân đã quen với hình ảnh một ông đại tá có nước da ngăm đen nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi đi xin học bổng, xin chăn áo ấm, xin tiền dựng nhà, xin sữa... đến khắp các bản làng, điểm trường xa xôi.

Tôi gặp anh Minh lần đầu tiên vào cuối mùa mưa năm 2009, khi tham gia Chương trình Mái ấm biên cương, giải cứu người La Hủ-một dân tộc thiểu số có nguy cơ suy giảm giống nòi ở huyện Mường Tè. Ngày ấy, anh là Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh, “tổng chỉ huy” lực lượng giúp dân dựng nhà ổn định cuộc sống. Suốt hai tháng trời, anh chỉ huy gần 70 cán bộ, chiến sĩ “ăn rừng, ngủ núi” dầm mưa dãi nắng nơi sơn cùng thủy tận là bản Là Si, xã Thu Lũm, cách tỉnh lỵ Lai Châu 300km. Ngoài ra, anh còn trực tiếp phụ trách một tổ thợ xẻ làm nhà. Cuối năm ấy, 21 căn nhà gỗ khang trang mọc lên giữa rừng già, đồng bào La Hủ quây quần về sinh sống. Ngày bàn giao điểm bản mới, nhìn niềm vui trên gương mặt người dân, nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã rơm rớm nước mắt… Cũng dịp đó, có cô bé người La Hủ bị sốt rét rừng, nhà làm "cúng ma" mấy ngày không khỏi. Biết chuyện, các anh kiên quyết cho cán bộ quân y lên khám, cấp thuốc chữa bệnh. Bây giờ cô bé đã trưởng thành, lấy chồng rồi sinh con, mỗi lần gặp BĐBP cô lại cúi mặt nở nụ cười biết ơn.

 Xung phong vào “trận chiến” xóa đói, giảm nghèo

Đại tá Phan Hồng Minh sinh năm 1966, quê ở huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), nhập ngũ năm 1983 và từ năm 1986 đã “gửi cuộc đời” lên biên giới Lai Châu. 36 năm quân ngũ, 33 năm gắn bó với "phên giậu", người cán bộ biên phòng ấy có một tình yêu kỳ lạ và nặng lòng với sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, gieo chữ nơi biên cương Tổ quốc. Mỗi lần gặp anh, tôi lại nghĩ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Lợi: “Xung phong vào trận chiến/ Giặc là đói là nghèo/ Súng là phấn là bảng/ Là tháng ngày gieo neo”.

Tôi còn nhớ, vào đầu năm 2013, anh Minh gọi điện cho tôi rồi nói: “Nhà báo à, trên này còn nhiều điểm trường khó khăn quá. Thầy cô giáo và học sinh khổ lắm. Mùa mưa thì lầy lội, mùa hè thì nóng rát, mùa đông thì rét thấu xương. Anh em mình bàn nhau xem huy động nguồn lực xây dựng một số điểm trường giúp đồng bào”. Năm đó, điểm trường Mầm non Lả Nhì Thàng và Nhà bán trú Trường THCS Sì Lờ Lầu (huyện Phong Thổ) trị giá hơn 260 triệu đồng được Báo Quân đội nhân dân phối hợp với BĐBP tỉnh Lai Châu và các đơn vị tài trợ xây dựng xong. Hôm chúng tôi lên khánh thành, đi bộ 4 tiếng đồng hồ vào Lả Nhì Thàng, cô Hiệu trưởng Phạm Bạch Ngọc cứ vừa khóc vừa nói lời cảm ơn.

Mùa mưa năm 2014, Báo Quân đội nhân dân xin tài trợ từ các công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được hơn 300 triệu đồng xây dựng Nhà bán trú Trường THCS bán trú Tá Bạ. Tháng 9-2014, đoàn vào khánh thành nhà, trời mưa lớn, sạt đường, Đại tá Phan Hồng Minh chật vật cùng anh em móc cáp kéo xe, cuốc đất lấy đường để đến với thầy trò nhà trường. Hôm bàn giao, thầy Hiệu trưởng Phạm Anh Dũng xúc động không nói nên lời, còn các cháu học sinh cứ chạy quanh nắm vạt áo Đại tá Phan Hồng Minh. Năm 2015, chúng tôi tiếp tục cùng anh Minh kêu gọi xây dựng điểm trường Tiểu học số 1 xã Ka Lăng, huyện Mường Tè trị giá 200 triệu đồng; năm 2016 huy động gần 200 triệu đồng xây dựng công trình cấp nước sạch tại xã Dào San, huyện Phong Thổ; năm 2018 huy động gần 1 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào trên toàn tuyến biên giới Lai Châu chịu thiệt hại do mưa lũ...

Trong nhiều năm qua, Đại tá Phan Hồng Minh là người trực tiếp kết nối, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, như: Báo Quân đội nhân dân, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Sữa TH Truemilk, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thăng Long cable… huy động nhiều tỷ đồng tài trợ xây dựng điểm trường, nhà bán trú, nhà ăn, tặng hàng nghìn chăn, áo ấm, giày dép, quà, sữa… giúp học sinh nghèo trong tỉnh. Từ năm 2013 đến 2018, BĐBP Lai Châu với sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Phan Hồng Minh đã phối hợp xây dựng 64 công trình, giúp 421 hộ xóa đói, giảm nghèo, vận động định canh, định cư 317 hộ; xây dựng và sửa chữa 81 phòng học, xây 173 nhà đại đoàn kết. BĐBP tỉnh cũng đã chủ trì xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả, như: Chăn nuôi gia súc tập trung tại bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho; trồng chuối thương phẩm ở xã Huổi Luông (hiện có hơn 4000ha, mỗi năm thu gần 330 tỷ đồng); nuôi dê sinh sản ở các xã Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử, Mồ Sì San; nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Pa Vây Sử;nuôi trâu sinh sản ở xã Sin Suối Hồ; mô hình giúp đồng bào La Hủ và Mảng trồng lúa nước ở các xã Hua Bum, Pa Vệ Sử, Pa Ủ, Tá Bạ, Thu Lũm... Đặc biệt, chương trình “Nâng bước em đến trường” của BĐBP Lai Châu đã giúp hàng trăm em học sinh nghèo tới trường. Hiện tại, đang có 61 em học sinh được BĐBP nhận nuôi dưỡng và đỡ đầu (500.000 đồng/em/tháng), trong đó có 3 em được Đại tá Phan Hồng Minh trực tiếp hỗ trợ.

Tỉnh Lai Châu có 21 dân tộc anh em, đồng bào thiểu số nhiều người chưa nói tốt tiếng phổ thông, họ cũng không hiểu đại tá và chính ủy là gì. Thế nhưng mỗi lần người già, người trẻ ở vùng biên cương nhìn thấy ông bộ đội quân hàm xanh có nước da ngăm đen, trên ngực đeo tấm biển tên Phan Hồng Minh là họ mừng lắm, họ biết ơn lắm. Họ bảo, ông ấy là người con của núi rừng biên giới, của bản làng mà họ nặng lòng mang ơn.

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG