Vậy là chiến sĩ mới (CSM) của Trung đoàn 141 đã về đơn vị công tác được hơn một tháng. Trong quãng thời gian đó, CSM được học tập nhiều nội dung, trong đó có những bài học hay từ truyền thống hào hùng của đơn vị. Thiếu tá Đỗ Văn Quản, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 141 cho biết: “Sau khi đón nhận CSM, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trong đó tập trung giáo dục cho bộ đội hiểu về truyền thống vẻ vang của đơn vị trong kháng chiến và trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống của đơn vị. Nội dung giáo dục thông qua các hoạt động, như: Giáo dục chính trị, tham quan nhà truyền thống, diễn đàn và giao lưu văn hóa văn nghệ…".
Chúng tôi đến thăm Phòng truyền thống Trung đoàn 141 vào một buổi chiều. Lúc đó Trung úy Trần Văn Cường, Chính trị viên Đại đội 14 đang say sưa giới thiệu với CSM của trung đoàn về truyền thống vẻ vang của đơn vị trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Giọng của Trần Văn Cường hào sảng khi nói về những chiến công vang dội và thế thắng trận như “chẻ tre” trong 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội ta, trong đó có những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 141. Nhưng rồi, giọng anh Cường bỗng chùng xuống khi hướng đội hình về phía di ảnh Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 141 được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam để mở đường tiến công vào trung tâm Mường Thanh, trong tình thế chiến đấu cam go, ác liệt, hỏa lực địch từ ụ súng số 3 bắn ra rất mạnh vào đội hình. Phan Đình Giót cố gắng bò lên dùng hết sức mình nâng súng AK bắn mạnh vào lỗ châu mai, miệng hô to: “Quyết hy sinh vì… Đảng, vì… dân” rồi rướn người lấy thân mình bịt lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực của địch, mở “con đường máu” cho bộ đội ta xung phong chiến đấu. Hành động “lấy thân mình lấp lỗ châu mai” mãi là biểu tượng cao đẹp của sự hy sinh, hiến dâng cho Tổ quốc, là tượng đài bất tử của Trung đoàn 141”.
 |
Chiến sĩ mới Trung đoàn 141 tham quan phòng truyền thống đơn vị. |
Sau buổi tham quan hôm đó, chiến sĩ Vũ Văn Trường ở Đại đội 14 (quê xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) tâm sự: “Sau những ngày đầu quân ngũ phải học nhiều, rèn nhiều, lại gò bó thời gian nên thú thật tôi cảm thấy khá mệt mỏi. Nhưng từ khi biết mình được công tác ở đơn vị của Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, tôi cảm thấy rất tự hào, vì cụ nội của tôi cũng tham gia chiến dịch lịch sử này. Qua buổi tham quan phòng truyền thống trung đoàn, tôi tự nhủ sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của đơn vị”.
Sau khi Trung đoàn 141 tổ chức Lễ phát động thi đua đột kích “Luyện quân, lập công, quyết thắng” chào mừng kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tá Ngô Công Trực, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312 xuống thăm, kiểm tra công tác giáo dục truyền thống của trung đoàn và dự giờ buổi thảo luận chính trị của Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 (đây là một trong những đơn vị đánh trận mở màn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 65 năm về trước). Sau khi nghe cán bộ, chiến sĩ của Trung đội 4 thảo luận, Đại tá Ngô Công Trực nêu câu hỏi với CSM của Trung đội 4: “Đồng chí cho biết Quân đội ta được thành lập vào ngày, tháng, năm nào?”. Câu hỏi có vẻ khá dễ, nhiều cánh tay giơ cao, xung phong trả lời và đưa ra câu trả lời chính xác. Đồng chí chủ nhiệm chính trị sư đoàn nêu thêm câu hỏi: “Quân đội ta thành lập trước, hay Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập trước?”. Cũng như lần trước, nhiều chiến sĩ xung phong trả lời và nhanh chóng tìm ra phương án đúng “Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập trước Quân đội nhân dân Việt Nam”. Tiếp đó, đồng chí nêu vấn đề: “Vậy Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra quân đội để làm gì?”. Đến câu hỏi này, nhiều CSM “gãi tai”, mặt ửng đỏ vì câu hỏi có phần “hóc búa”.
Sau khi được thủ trưởng gợi ý, thì đến chiến sĩ thứ ba mới trả lời đúng câu hỏi của thủ trưởng. Tiếp đó, đồng chí chủ nhiệm chính trị sư đoàn rút kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ của đơn vị: “Giáo dục truyền thống là một việc làm không đơn giản, nếu không tiến hành khéo léo, sinh động thì bộ đội khó có thể nắm được nội dung. Khi đứng trước bộ đội hay lên lớp một nội dung nào đó về truyền thống, cán bộ chúng ta phải nói thực chất, tuyệt đối tránh giáo dục giáo điều, chung chung, “tầm chương trích cú” làm bộ đội khó hiểu”. Rồi Đại tá Ngô Công Trực nói những lời như tâm tình: “Truyền thống là những giá trị nhân bản, tốt đẹp, có tính lưu truyền từ đời này qua đời khác. Do vậy, việc phát huy truyền thống của đơn vị giúp thế hệ trẻ hôm nay trân trọng lịch sử và truyền thống của quân đội và đơn vị, từ đó phát huy những truyền thống quý báu ấy vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Tôi rất mong các đồng chí cán bộ chú trọng giáo dục cho bộ đội làm sao thật gần gũi, giản dị để những giá trị đó của đơn vị ngày càng thấm và “ngấm” vào tâm trí bộ đội”.
Trong 5 năm trở lại đây, công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp ở Trung đoàn 141 quan tâm. Quá trình giáo dục chính trị tư tưởng, trung đoàn đã chỉ đạo phải kết hợp giữa giáo dục cơ bản với giáo dục lịch sử truyền thống, giáo dục thường xuyên với giáo dục chuyên đề, chủ đề gắn với từng đối tượng. Để các nội dung giáo dục truyền thống thấm sâu vào bộ đội, trung đoàn chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ của đơn vị, trên bảng tin thi đua, biểu dương gương người tốt, việc tốt và những cách làm hay, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn trong đơn vị thường xuyên tổ chức diễn đàn thanh niên, tìm hiểu về truyền thống hào hùng của đơn vị. Năm 2018, Trung đoàn 141 tham gia Cuộc thi tìm hiểu “45 năm truyền thống Binh đoàn Quyết Thắng” nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Quân đoàn 1, đã có gần 3.000 bài viết của cán bộ, chiến sĩ tham gia dự thi, với nhiều bài chất lượng cao, trình bày đẹp, trong đó trung đoàn đoạt một giải nhất toàn quân đoàn. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên thi tìm hiểu truyền thống bằng hình thức sân khấu hóa để bộ đội dễ tiếp thu.
Thiếu tá Phạm Quang Huy, Phó chính ủy Trung đoàn 141 khẳng định: “Chúng tôi xác định công tác giáo dục truyền thống của đơn vị là nhiệm vụ quan trọng, nên hình thức giáo dục cũng linh hoạt, đa dạng để bộ đội không bị nhàm chán. Trong quá trình giáo dục lịch sử truyền thống đã gắn với giáo dục pháp luật, qua đó tạo không khí phấn khởi, niềm tự hào về truyền thống cho bộ đội, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội”.
Nhờ làm tốt công tác giáo dục về truyền thống đã góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào kết quả 3 năm liền (2016-2018), Trung đoàn 141 dẫn đầu khối thi đua trong các đơn vị thuộc Sư đoàn 312, được thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.
Bài và ảnh: NGỌC LÂM - VĂN CƯỜNG