Bác sĩ của tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia

Năm 1989 sau khi tốt nghiệp PTTH ở Gai Lai, Đào Phú Yên nhập ngũ để tiếp nối truyền thống gia đình. Cha anh là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, mẹ là thanh niên xung phong. Họ đã nuôi dưỡng tinh thần, đạo đức cách mạng, tình yêu thương con người trong Đào Phú Yên từ nhỏ và ước mơ trở thành bác sĩ quân y được anh ấp ủ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, anh được cấp trên cử đi học y tá và con đường chữa bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe bộ đội bắt đầu từ đó. Quá trình công tác của anh phần lớn tại các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa và làm quân y ở Đội K52 (Bộ CHSQ tỉnh Gia Lai). Đó cũng là quãng thời gian anh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở những vùng đặc biệt khó khăn của Vương quốc Campuchia. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội, anh còn tích cực khám, điều trị cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia. Hình ảnh người thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ vào tận những bản làng, sóc buôn xa nhất để khám và điều trị bệnh cho bà con vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người dân Campuchia.

Ông Kim Van Eêth, 62 tuổi, ở tỉnh Rattanakiri (Campuchia) không còn nhớ được đã có bao nhiêu lần bác sĩ Đào Phú Yên khám, điều trị cho mình. Bởi vậy, đã từ lâu như một lập trình sẵn trong gia đình: Cứ có bệnh là ông và người thân lại sang Việt Nam để được bác sĩ Yên khám và điều trị. “Chúng tôi tin bác sĩ Yên vì anh ấy không chỉ có chuyên môn giỏi mà còn tận tình, chu đáo trong điều trị. Tôi không thấy một khoảng cách nào giữa anh ấy với người dân Campuchia. Thật tuyệt vời khi tôi và nhiều người dân Campuchia có người bạn, người anh em Việt Nam như Đào Phú Yên”, ông Eếth chia sẻ.  

 Thiếu tá Đào Phú Yên kể: “Từ năm 2010 đến nay, sau khi đi học về và nhận nhiệm vụ Bệnh xá trưởng, tôi không ít lần được đón các vị khách đến từ Campuchia. Đó là những bệnh nhân tôi từng điều trị. Họ đến để thăm tôi và kiểm tra sức khỏe, nhiều người còn giới thiệu cho bạn bè, người thân. Điều đó làm tôi rất vui và không ngừng phấn đấu trau dồi y đức, y thuật”.  

Thiếu tá, bác sĩ chuyên khoa I Đào Phú Yên siêu âm cho người bệnh

Ngừng học là coi thường sức khỏe, tính mạng của người bệnh     

Tôi hỏi Đào Phú Yên: “Ở bên cạnh những "ông lớn" như Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện mắt Cao Nguyên, Bệnh viện Quân y 211, Bệnh viện Y học cổ truyền Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Bệnh viện nhi Gia Lai… Bệnh xá của anh làm thế nào để thu hút người dân đến khám, điều trị?”. Đào Phú Yên không chần chừ mà trả lời ngay rằng: “Nghề y có hai yếu tố để người bệnh tin tưởng, gửi gắm sinh mạng, sức khỏe cho mình, đó là y đức và y thuật”.

Thiếu tá Đào Phú Yên vốn là người kiệm lời, những lần trò chuyện anh cũng chỉ nói về người bệnh, không một lời nhắc về mình. Nhưng tôi biết đó là con người có ý chí tự học, tự tu dưỡng rèn luyện rất đáng khâm phục. “Nghề y ngừng học một ngày là tụt hậu cả năm. Ngừng học cũng có nghĩa là coi thường sức khỏe, tính mạng của người bệnh”, Đào Phú Yên đã nói với tôi như vậy và thực tế 30 năm quân ngũ anh chưa một ngày ngừng học. Để phát triển từ một y tá đến bác sĩ chuyên khoa I giỏi, ngoài những lần được cấp trên cử đi học tại các học viện, nhà trường trong quân đội, anh còn tranh thủ ngày nghỉ đi xin làm ở các phòng khám đa khoa hiện đại và đến học tập kinh nghiệm của các bệnh viện lớn trên địa bàn nhằm tiếp cận với phương pháp điều trị mới và cách thức vận hành những phương tiện, máy móc hiện đại. Trong xu thế kết nối của thời đại bùng nổ thông tin, bác sĩ Đào Phú Yên đã liên kết với nhiều đồng nghiệp, chuyên gia giỏi trên cả nước để họ hỗ trợ, tư vấn chuyên môn và tham gia điều trị những ca bệnh khó vượt ngoài khả năng của bệnh xá.     

Cán bộ, nhân viên của bệnh xá đều được anh yêu cầu thực hiện nghiêm những quy định về đạo đức nghề nghiệp; giải quyết thủ tục nhanh và tuyệt đối nói không với “phong bì”, hạch sách người bệnh. Để nâng cao trình độ, tay nghề của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, ngoài công tác bồi dưỡng tại đơn vị anh còn tham mưu cho cấp trên thực hiện nhiều chủ trương động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên tự học và gửi đi học tập ở các bệnh viện lớn. Trung úy bác sĩ Lê Thị Hoài Tâm tốt nghiệp Học viện Quân y năm 2017 và có hơn một năm công tác tại Bệnh viện Quân y 17 (Cục Hậu cần Quân khu 5). Khi mới chuyển về Bệnh xá quân y Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, chị cảm thấy lo lắng, phần vì môi trường công tác mới, phần vì nghĩ bệnh xá thì không có điều kiện học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng sau thời gian công tác, chị đã học được nhiều điều về đạo đức, nhân cách và trình độ, chuyên môn của người thầy thuốc quân y từ Bệnh xá trưởng Đào Phú Yên. 

Điểm tựa tin cậy đối với người bệnh       

Ở TP Pleiku (Gia Lai), xét về quy mô, Bệnh xá quân y Bộ CHQS tỉnh Gia Lai khiêm nhường trước hàng chục bệnh viện, phòng khám đa khoa hiện đại bậc nhất khu vực Tây Nguyên, nhưng lại có một lượng bệnh nhân đến khám, điều trị khá đông. Từ năm 2013-2017, có hơn 14.654 lượt người đến khám và điều trị, trong đó hơn 13.383 lượt là người dân. Đầu năm 2018 đến nay, khi bệnh xá được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì số lượt người dân đến khám, điều trị không ngừng tăng lên theo cấp số nhân.

Ngoài những bệnh nhân “đặt cọc” khám, điều trị lâu dài tại Bệnh xá quân y Bộ CHQS tỉnh Gia Lai thì ở đây mỗi ngày có hơn 20 lượt người đến khám, điều trị. Bệnh xá có 12 biên chế, trong đó có 4 bác sĩ, còn lại y sĩ, dược sĩ và nhân viên chuyên môn, đáp ứng được 25 giường bệnh với nhiều loại máy, phương tiện khá hiện đại, như: Máy siêu âm 4D thế hệ mới; máy chụp XQ cao tầng; máy xét nghiệm sinh hóa; máy đông y vật lý trị liệu... Tất cả đều được vận hành hiệu quả dưới sự chỉ huy của Bệnh xá trưởng Đào Phú Yên.

Ông Trương Công Đoan, 69 tuổi, thương binh hạng 2/4 ở tổ 1 (phường Thắng Lợi, TP Pleiku) xem Bệnh xá quân y Bộ CHQS tỉnh Gia Lai như “ngôi nhà thứ hai” của mình. Từ ngày nghỉ hưu ông bị nhiều bệnh, nào là huyết áp cao, rối loạn tiền đình, viêm đại tràng và còn một mảnh đạn trong phổi hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời. Điều làm ông Đoan đặt niềm tin vào bệnh xá quân y này vì đội ngũ thầy thuốc ở đây có trình độ tốt, ứng xử niềm nở, tận tình, chu đáo với người bệnh, trong đó Thiếu tá bác sĩ chuyên khoa I Đào Phú Yên là hạt nhân, đầu tàu gương mẫu. “Người bệnh chúng tôi chỉ cần được bác sĩ hỏi thăm, chia sẻ, động viên là cảm thấy bệnh giảm đi một nửa rồi. Có hôm nhiều đêm mưa gió, bệnh tình nguy cấp tôi không kịp đến bệnh xá thì gọi điện cho anh Yên. Anh ấy có mặt ngay với thái độ ân cần như người nhà”, ông Đoan chia sẻ.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt đứt bởi chị Nếch người dân tộc Gia Rai ở thôn Choet Ngol (xã Chư Á, TP Pleiku) đưa con trai vào cấp cứu. Ngay lập tức Thiếu tá Đào Phú Yên cùng đội ngũ y sĩ, bác sĩ của bệnh xá thăm khám, điều trị cho con chị Nếch. “Cả nhà tôi khi đau ốm, bệnh tật gì cũng vào bệnh xá quân y này điều trị. Ở đây có bác sĩ Yên tốt lắm!”, chị Nếch nói với tôi như vậy. Tôi cũng khép lại bài viết này khi đã cảm nhận đầy đủ tình cảm, sự tin cậy, quý trọng của người bệnh và gia đình dành cho bác sĩ Đào Phú Yên.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN