Tự hào trở thành phi công lái máy bay quân sự

Nhiều lần đến các đơn vị không quân thuộc Sư đoàn 370, được tiếp xúc với các phi công trẻ, chúng tôi có một cảm nhận chung là họ có một niềm vinh dự và tự hào khi trở thành phi công lái máy bay quân sự. Họ luôn có tinh thần quyết tâm rất cao trong học tập, huấn luyện để hiện thực ước mơ bay, chinh phục bầu trời, đóng góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Đại úy Trần Thanh Luân, Phi công Su-30MK2 Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 (bên phải) trao đổi kinh nghiệm với đồng đội.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân, Thượng úy Vũ Hồng Việt được điều về công tác tại Phi đội 1, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 để bắt đầu quá trình đào tạo chuyển loại từ máy bay L-39 sang máy bay Su-30MK2. Anh Việt tâm sự: “Lần đầu tiên bước lên buồng lái Su-30MK2, tôi có phần bỡ ngỡ và hồi hộp. Bởi ở nhà trường, chúng tôi mới được học qua lý thuyết về máy bay Su-30MK2. Qua quá trình chuyển loại, với nỗ lực không mệt mỏi của bản thân cộng với sự tận tình truyền dạy chỉ bảo của các thầy, các đồng chí đi trước có nhiều kinh nghiệm, tôi dần dần nắm bắt về hệ thống thiết bị, kỹ thuật lái, xử lý bất trắc, tiếng Nga chuyên ngành, các vấn đề liên quan về kỹ thuật, hậu cần, thông tin... Đến nay, tôi đã có 150 giờ bay trên loại máy bay này, được huấn luyện và thực hành bay bắn ném bom, đạn thật trên đất và trên biển tại trường bắn TB-3 và TB-5, được cấp trên phê chuẩn làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu”.

Với Vũ Hồng Việt, vấn đề khó khăn nhất khi chuyển loại từ máy bay L-39 sang Su-30MK2 là việc nắm bắt hệ thống thiết bị của máy bay và kiến thức về tiếng Nga chuyên ngành. Theo anh, Su-30MK2 là dòng máy bay chiến đấu có tính năng ưu việt, chính vì thế nó có rất nhiều hệ thống, nhiều bảng công tác, nhiều đồng hồ và màn hình. Để điều khiển được máy bay, trước hết phi công phải nắm chắc các mảng thiết bị của máy bay, phải có trình độ tiếng Nga chuyên ngành vững chắc. Khi đã nắm vững thiết bị và nhuần nhuyễn về tiếng Nga chuyên ngành, phi công mới được chuyển sang huấn luyện các khoa mục bay.

Về công tác tại Phi đội 1, Trung đoàn 935, Trung úy Nguyễn Phi Long có thuận lợi hơn lớp đàn anh là được tham gia ngay khóa học tiếng Nga với thời gian gần một năm. Tuy nhiên, do thời gian đào tạo tiếng Nga kéo dài, giãn cách bay lớn cũng gây khó khăn cho anh. Do đó, lần đầu tiên bước lên buồng lái Su-30MK2, anh có nhiều bỡ ngỡ. Với khối lượng kiến thức lớn, phức tạp, đòi hỏi anh phải nỗ lực cố gắng rất nhiều mới nắm bắt được hệ thống điều khiển và kỹ thuật lái. Đến nay, dù mới có gần 75 giờ bay trên máy bay Su-30MK2 nhưng Nguyễn Phi Long đã được cấp trên tin tưởng đưa vào huấn luyện và thực hành bay bắn ném bom, đạn thật trên đất tại trường bắn TB-3. Lần đầu tiên tham gia bay bắn ném bom, đạn thật thành công đã để lại cho Long nhiều kinh nghiệm quý, tiếp thêm sự tự tin, bản lĩnh để anh tiếp tục vươn lên trên con đường chinh phục ước mơ bay của mình.

Ở Lữ đoàn 918, song song với huấn luyện chuyển loại, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị luôn quan tâm bồi dưỡng đội ngũ phi công trẻ. Trong đó, đơn vị đã tổ chức lựa chọn những đồng chí có trình độ chuyên môn tốt để tạo nguồn tiếp thu máy bay mới. Năm 2016, Trung úy Đinh Thành Dương tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân về nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 918. Sau gần 3 năm tham gia huấn luyện trên máy bay An-26, Dương được biên chế về Biên đội bay Casa-295. Xác định việc tự học có ý nghĩa rất quan trọng, chính vì vậy, trong các giờ ôn luyện, chuẩn bị bay, anh tự nghiên cứu nắm vững các kiến thức chuyên ngành về lý thuyết bay, quản lý điều hành bay, kỹ thuật hàng không, khí tượng, dẫn đường... Trung úy Đinh Thành Dương tâm sự: “Là phi công trẻ, tôi xác định chặng đường phấn đấu phía trước còn rất dài. Để có thể làm chủ được máy bay, vũ khí trang bị mới thì người phi công quân sự phải tự trang bị rất nhiều kiến thức, nỗ lực trong học tập chuyên môn nhằm nâng cao trình độ mọi mặt. Đặc biệt, bản thân phải tích cực chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các đồng chí phi công đi trước làm cơ sở tiếp cận và sử dụng dòng máy bay hiện đại”.

“Ham bay, say học”

Không chỉ có Đinh Thành Dương, đội ngũ phi công trẻ hiện nay của Lữ đoàn 918 được biên chế về các phi đội bay Casa-212-400, Casa-295, NC-212i. Trong thời gian tới, Lữ đoàn 918 tiếp tục tổ chức cho phi công theo học lớp tiếng Anh và học tập lý thuyết chuyên ngành để các phi công có kiến thức, kỹ năng tốt, sẵn sàng bay trên máy bay mới.

Khi học tập tại Trường Sĩ quan Không quân, Thiếu úy Nguyễn Thành Trung Hiếu đã được lái máy bay Mi-8. Về công tác tại Phi đội 1, Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Hiếu tiếp tục được bay trên chính loại máy bay này. Thế nhưng, không vì thế mà việc thực hiện các khoa mục huấn luyện ở đơn vị trở nên đơn giản đối với anh. Bởi vì, ở trường học viên chỉ mới được bay các khoa mục cơ bản. Khi về đơn vị, công tác huấn luyện phi công có đòi hỏi cao hơn để đáp ứng được yêu cầu SSCĐ, chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác, nhất là với các khoa mục bay phức tạp, như: Bay biên đội, bay đêm, bay hạ cánh bãi ngoài, bay ứng dụng chiến đấu... Chính vì thế, phi công phải có nỗ lực cao, vừa tự học tập, vừa học từ cấp trên, đồng chí, đồng đội để nâng cao kiến thức lý thuyết, tiếng Nga chuyên ngành, rèn luyện kỹ thuật lái, kỹ năng xử lý các tình huống. Ra trường từ năm 2017, đến nay Hiếu đã có hơn 100 giờ bay tích lũy trên trực thăng Mi-8. Hiện anh đang chuẩn bị bước vào đợt huấn luyện để trở thành phi công lái chính. Nhiệm vụ phía trước tuy có khó khăn, nhưng với niềm khát khao bay, Hiếu tự tin sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ để trở thành lái chính. Đó sẽ là dấu mốc mới trên con đường chinh phục bầu trời của người phi công trẻ.

Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 370, cho rằng điểm nổi bật của đội ngũ phi công trẻ của Sư đoàn 370 hiện nay là họ đều có chung một đam mê, một ước mơ làm chủ cánh bay, làm chủ bầu trời; là những người có hoài bão, lý tưởng sống cao đẹp; có bản lĩnh, tinh thần học tập, huấn luyện hăng say; họ đã và đang từng bước vươn lên khẳng định mình. Đây là những người tiếp nối xứng đáng các thế hệ đàn anh, trở thành lực lượng nòng cốt góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn 370 trong hiện tại và tương lai.

Với tinh thần “ham bay, say học”, đội ngũ phi công trẻ trong Quân chủng PK-KQ đã từng bước học tập, tiếp thu và làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có trong biên chế, đồng thời nhanh chóng tiếp cận, từng bước làm chủ các loại máy bay mới, hiện đại. Những kết quả đó đã bảo đảm cho Quân chủng PK-KQ có được lớp phi công quân sự kế cận, kế tiếp có trình độ chuyên môn vững vàng, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Bài và ảnh: THÀNH TRUNG - VŨ DUY - MAI ĐÔNG - CÔNG GIANG