Những sáng kiến “bạc tỷ”

Phát huy tinh thần lao động sáng tạo, những năm qua, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có nhiều SK, CTKT có giá trị thực tiễn cao, góp phần tích cực vào việc sửa chữa các loại máy bay, làm lợi cho Nhà nước và quân đội hàng tỷ đồng. Tiêu biểu là sáng kiến “Làm mới phiến tỏa nhiệt, chế tạo bộ làm mát xe thủy lực của máy bay Su-27 và Su-30MK2” của Trung tá Lê Công Cư, Tổ trưởng Tổ đường ống, người được mệnh danh có “bàn tay vàng”. Đề tài “Thiết kế, chế tạo một số chi tiết kim loại trên máy bay Su-27, Su-30” của Trung tá Phạm Bá Nguyên, Phó giám đốc Kỹ thuật Nhà máy A32 được công nhận cấp Quân chủng PK-KQ. Tuy bận rộn với công tác lãnh đạo, quản lý nhưng Đại tá, Giám đốc Trương Minh Đức vẫn dành thời gian nghiên cứu thành công sáng kiến “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo ống mềm thủy lực cao áp và một số chi tiết cao su, kim loại trên máy bay Su-27, Su-30” được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Ngay cả các chuyên gia người Nga cũng khâm phục những SK, CTKT của đội ngũ cán bộ, kỹ sư nhà máy. Ngoài ra, còn có một số sáng kiến có tính khả thi cao, như: “Giá tháo, lắp và vận chuyển càng trước máy bay SU-27 và một số trang thiết bị mặt đất phục vụ sửa chữa máy bay”, “Hệ thống máy kiểm tra, thử nghiệm bơm nhiên liệu гTH7-3, дцH80”…

Sửa chữa lớn máy bay Su-22 số hiệu 5872 ở Nhà máy A32.

Để tập trung giải quyết các “khâu căng, việc khó”, nhà máy thành lập và duy trì tổ sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) trẻ gồm các kỹ sư dưới 35 tuổi tham gia. Điều đáng ghi nhận là từ năm 2014 đến nay, tổ sáng tạo KHKT trẻ đã có hàng trăm đề tài SK, CTKT được công nhận và áp dụng vào thực tiễn phục vụ công tác sửa chữa máy bay. Hiện nay, 100% kỹ sư đều biết tiếng Nga và đang được theo học các khóa tiếng Anh, vi tính để bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng công tác.

Niềm tự hào của người lính thợ

Đại tá Hoàng Văn Khương, Chính ủy nhà máy nhớ lại: "Những người lính thợ chúng tôi không thể nào quên thời khắc trông đợi ngày bay thử máy bay Su-27 số hiệu 8526 vào một buổi sáng tháng 5-2016. Đó là những giây phút mong đợi và hạnh phúc nhất của người lính thợ chúng tôi sau thời gian chờ đợi gần 15 năm dày công tìm tòi, nghiên cứu và chuẩn bị. Hôm ấy, tất cả mọi ánh mắt đều dõi lên nền trời xanh. Chiếc Su-27 số hiệu 8526 chạy đà trên đường băng rồi dũng mãnh lao vút lên nền trời xanh trước sự chứng kiến của Thiếu tướng Nguyễn Văn Đảm, Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu cùng các cơ quan chức năng. Tất cả vỡ òa trong niềm vui sướng khi chứng kiến chiếc phi cơ vừa được sửa chữa sau hai lần cất hạ cánh với thời gian hơn 40 phút, thực hiện các động tác theo yêu cầu của chỉ huy. Chuyến bay thành công tốt đẹp, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, được cấp trên đánh giá tốt". Hiện máy bay Su-27 số hiệu 8526 được bàn giao cho Trung đoàn tiêm kích 925 (Sư đoàn Không quân 372) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Đến nay, máy bay Su-27 số hiệu 8526 đã qua 35 tháng sử dụng, tham gia huấn luyện thực hành bắn, ném trong diễn tập bảo đảm độ chính xác và không phát sinh hỏng hóc. Niềm vui của những người lính thợ càng được nhân lên khi tháng 11-2017, chiếc Su-30MK2 số hiệu 8534 lại được nhà máy tăng niên hạn sử dụng lên 1.300 giờ/15 năm sử dụng và đã bàn giao về Sư đoàn Không quân 370.

Sự kiện Nhà máy A32 sửa chữa thành công các loại máy bay phản lực chiến đấu Su-27, Su-30 không những thể hiện sự tiến bộ vượt bậc đối với những người lính thợ sửa chữa máy bay phản lực của Không quân nhân dân Việt Nam, kéo dài niên hạn sử dụng mà còn góp phần khẳng định vị thế đối với bạn bè quốc tế. Các chuyên gia Nga vốn nổi tiếng khó tính, vậy mà họ cũng rất hài lòng với tinh thần lao động sáng tạo, đức tính kiên trì, chịu khó học hỏi của hàng trăm kỹ sư và công nhân của Nhà máy A32. Trang tin quốc phòng VPK của Nga cũng nhận định: Việt Nam đã tự sửa chữa và nâng cấp tiêm kích Su-27, Su-30 tại nhà máy mới ở Đà Nẵng. Như vậy, việc tự sửa chữa, nâng cấp máy bay trong nước không những tăng đáng kể mức độ sẵn sàng hoạt động của máy bay chiến đấu mà còn khẳng định uy tín, tay nghề của những người lính thợ A32.

Với sự đi trước, đón đầu công nghệ, làm chủ khoa học, thời gian vừa qua, Nhà máy A32 đã sửa chữa, đưa vào bay thử thành công 30 máy bay các loại, bảo đảm tốt các chỉ số kỹ thuật và bàn giao cho các đơn vị; thay phoam thùng dầu và sửa chữa tăng cường hệ thống nhiên liệu máy bay Su-30MK2; sản xuất 188 ống dẫn nhiên liệu, ống khí cao áp đặc chủng, bộ đèn phòng không khí tài đặc chủng xe TZM... Ngoài ra, nhà máy còn sửa chữa, thay thế các bộ phận, linh kiện cho các đơn vị phòng không; sửa chữa hệ thống thủy lực điều khiển quay ăng-ten ra-đa trên tàu; chế tạo và gia công cơ khí các linh kiện cho Nhà máy X51 (Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân) và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Có thể nói, đến nay, Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn quy trình sửa chữa và tăng tổng niên hạn máy bay tiêm kích Su-27 thay vì phải đưa ra nước ngoài. Đây là bước đột phá có tính chiến lược của Nhà máy A32, góp phần tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách Nhà nước.

"Hiện nay trên thế giới chỉ có Nga, Ukraine, Belarus, Trung Quốc sửa chữa được Su-27 và Việt Nam là nước tiếp theo. Để làm nên kỳ tích này, những người lính thợ Nhà máy A32 đã vượt qua bao khó khăn, thử thách. Anh đánh giá như thế nào về sự kiện có tính đột phá này?"-chúng tôi nêu câu hỏi. Đại tá Trương Minh Đức không chút do dự, trả lời: “Sau khi kết thúc giai đoạn 2 của dự án, nhà máy đã làm chủ các công nghệ; sửa chữa tổng thể máy bay Su-27, gần 900 phụ tùng, thiết bị lẻ của máy bay Su-27, Su-30. Nhà máy đã bàn giao cho các đơn vị 2 máy bay Su-27, hiện đang sửa chữa 4 máy bay Su-27. Không chỉ trình độ của đội ngũ kỹ sư, công nhân ngày càng được nâng lên mà đơn vị còn làm chủ được dây chuyền công nghệ sửa chữa các loại máy bay hiện đại và các máy móc đảm bảo; giảm được sự phụ thuộc vào nước ngoài và là cơ sở để có thể mở rộng quy mô đầu tư, nâng cấp thực hiện những dự án mang tầm cỡ khu vực. Thời gian qua, Nhà máy A32 đã sửa chữa thành công nhiều thiết bị công nghệ cao trên máy bay Su-27, Su-30, tên lửa S-300, tàu ngầm, ra đa… Những thiết bị điện tử công nghệ mới này đòi hỏi phải có trình độ tay nghề cao, linh kiện thay thế mới, phương tiện sửa chữa hiện đại. Với trình độ và khả năng hiện có, lãnh đạo, Ban giám đốc nhà máy đã đề xuất với Quân chủng PK-KQ thực hiện thêm hai dự án nữa, đó là: “Sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và Su-30 giai đoạn 3” và “Trung tâm kỹ thuật điện tử công nghệ cao”. Đây là các dự án lớn, đòi hỏi nhiều kinh phí và mang tính chiến lược lâu dài nên cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, quân đội và sự nỗ lực cao của cán bộ, công nhân nhà máy trong thời gian tiếp theo.

Những kết quả ấy không chỉ ghi nhận sự thành công bởi bàn tay, khối óc của những người lính thợ yêu ngành, yêu nghề mà còn khẳng định thương hiệu “A32” ra tầm châu lục. Điều gì đã làm nên sự phát triển kỳ diệu ấy? Đó chính là lương tâm, trách nhiệm và tài năng của người lính thợ.

Mới đây, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc đã đánh giá cao những kết quả mà Nhà máy A32 đạt được. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng rất tin tưởng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng PK-KQ, đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật đơn vị tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bằng khát vọng cháy bỏng và niềm say mê lao động, sáng tạo, các thế hệ cán bộ, kỹ sư và công nhân viên đã tạo nên diện mạo một doanh nghiệp quốc phòng phát triển vững vàng, có uy tín trên dải đất miền Trung. Bằng chính bản lĩnh, khả năng lao động sáng tạo và tinh thần phát huy nội lực, Nhà máy A32 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ năm 2010 đến nay, được Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng”, vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

 Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG