Hiếu với dân - một thuộc tính chỉ có ở quân đội cách mạng
Không ngẫu nhiên mà Quân đội ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là “Quân đội nhân dân”. Danh xưng này, một mặt, thể hiện ý nghĩa là một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ; mặt khác, thể hiện cội nguồn sức mạnh của quân đội có xuất phát điểm từ sức mạnh vô địch của nhân dân. Từ khi ra đời đến nay, Quân đội ta không chỉ là công cụ bạo lực của Đảng, Nhà nước, chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ, mà còn là lực lượng chiến đấu bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Quân đội ta đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau, như: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tháng 12-1944); Việt Nam Giải phóng quân (tháng 5-1945), Vệ quốc đoàn (tháng 11-1945), Quân đội Quốc gia Việt Nam (tháng 5-1946). Từ ngày 24-9-1954, tức là sau gần 10 năm ra đời, Quân đội ta chính thức có tên gọi mới là Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Từ đó đến nay, QĐND không chỉ là một danh xưng nói lên bản chất, cội nguồn sức mạnh của Quân đội ta mà còn là tên gọi thân thương, trìu mến trong tình cảm, niềm tin son sắt của các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền đất nước.
Tinh thần trọng dân của Quân đội ta không chỉ xuất phát từ truyền thống “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc) của ông cha ta trong lịch sử, mà còn thể hiện sâu đậm trong 10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngay từ khi ra đời ngày 22-12-1944. Trong 10 lời thề danh dự đó, 3/10 lời thề có nội dung liên quan đến nhân dân, đó là: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam... làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ... (Lời thề 1); ... cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân (Lời thề 6); và hội tụ tập trung nhất ở Lời thề 9: Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: “Không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân”, và ba điều nên: “Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân”, để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước.
Không chỉ vậy, bản chất cách mạng còn thể hiện sâu sắc ở chức năng “ba trong một” của Quân đội ta là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Luôn bám sát cơ sở, địa bàn, thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), cán bộ, chiến sĩ ta không ngại khó khăn, kề vai sát cánh với dân, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với bà con, góp phần mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào. Trong quá trình giúp dân, nhiều mô hình, phong trào dân vận giàu ý nghĩa nhân văn do Quân đội ta phát động, thực hiện trong nhiều năm qua được xã hội đánh giá cao, như: “Gắn kết hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” giúp nhau phát triển kinh tế gia đình của Binh đoàn 15; “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Hũ gạo vì người nghèo” của Quân khu 5; Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Nâng bước em đến trường” của Bộ đội Biên phòng; “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” của lực lượng Cảnh sát biển... Thực tế cho thấy, ở đâu có bộ đội đến chung lòng dốc sức giúp đỡ nhân dân, ở đó bà con cảm thấy cuộc sống thanh bình, ấm áp hơn và có thêm niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn.
Theo Thiếu tướng Ngô Thanh Hải, Cục trưởng Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị), chỉ tính 5 năm qua (2013-2018), các đơn vị trong toàn quân đã vận động hơn 48.000 học sinh trở lại trường học; huy động hơn 1,3 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ và gần 30.000 lượt phương tiện giúp dân phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu hộ, cứu nạn được hơn 1.000 phương tiện và gần 18.000 người dân; tổ chức được hơn 2.000 đợt khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 2,5 triệu lượt người, với tổng trị giá hơn 300 tỷ đồng. Đó là những con số biết nói để thêm một lần minh chứng truyền thống “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” luôn được hiện diện trong thực tiễn cuộc sống, lao động, chiến đấu và công tác của Quân đội ta. Những việc làm vì dân đó cũng là một trong những nấc thang cao nhất làm nên hệ giá trị văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ.
Vì luôn mang trong tim tình cảm và phong cách ứng xử đối với dân là: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, cho nên Bộ đội Cụ Hồ “đi dân nhớ, ở dân thương”, được sống chan hòa trong sự tin yêu, chở che, đùm bọc của nhân dân. Tình đoàn kết quân dân gắn bó bền chặt là cội nguồn sâu xa góp phần làm nên sức mạnh vô địch của Quân đội ta.
Tinh thần “Hiếu với dân” là một truyền thống nhân nghĩa, thủy chung của một quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó khác hẳn về chất so với quân đội của giai cấp bóc lột trước đây và những quân đội nhà nghề chỉ biết lấy binh đao, hiếu chiến làm trọng. Điều này đã được chính đối phương từng tham chiến tại Việt Nam thừa nhận.
Sau thắng lợi “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954, quân đội Pháp chịu thất bại cay đắng và rút khỏi cuộc chiến tranh xâm lược tại Đông Dương. Theo nhận định của Đại tá Gabriel Bonnet (Viện Hàn lâm quân sự Pháp), lý do quân đội Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ thì có nhiều, trong đó có một lý do mà những người lính Pháp không có, là: “Binh sĩ của quân đội Việt Minh rất cương quyết, năng động, tin tưởng vào mục đích chiến đấu của mình. Họ đã trung thành với lời thề danh dự, trong đó có nhiều điểm về quan hệ với nhân dân”.
Ngời sáng danh xưng Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân
Mỗi khi nhắc đến cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam, đã từ lâu, nhân dân ta, từ trẻ đến già, từ miền xuôi đến miền ngược, ai cũng tỏ lòng trìu mến, thân thương gọi họ là Bộ đội Cụ Hồ. Với việc ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22-12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho việc thành lập một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân ở nước ta. Như một người cha, người mẹ dành trọn tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng cho đứa con yêu quý của mình, Bác Hồ đã ân cần dìu dắt, chỉ bảo, dạy dỗ, giáo dục cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta từ việc nhỏ đến việc lớn.
Việc nhỏ, Bác cặn dặn bộ đội không được tơ hào từ cái kim, sợi chỉ của nhân dân, phải yêu thương dân như yêu thương cha mẹ của mình. Việc lớn, Bác dạy: “Toàn thể cán bộ và chiến sĩ phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hóa, cần phải nâng cao lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, cần phải nắm vững đường lối quân sự của Đảng, ra sức rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật, cần phải luôn nêu cao cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân”. Bác cũng yêu cầu mỗi quân nhân phải thấu suốt quan điểm: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”.
Được gắn tên Bác Hồ với danh xưng của mình, mỗi cán bộ, chiến sĩ như được tiếp thêm động lực, ý chí, niềm tin để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng xả thân hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bác Hồ như ngọn đuốc sáng soi đường cho mỗi bước đi của quân đội, vì thế, tên Người đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn và hóa thân vào từng suy nghĩ, cử chỉ, hành động, việc làm của mỗi quân nhân cách mạng. Nếu coi lịch sử Quân đội ta trong 75 năm qua là một “dấu ấn bằng vàng” trong lịch sử dân tộc Việt Nam thì danh xưng Bộ đội Cụ Hồ là “tiêu điểm rực rỡ nhất” trong dấu ấn đó. Bộ đội Cụ Hồ, bởi thế, đã trở thành một nhân cách văn hoá vừa thân thuộc, gần gũi, vừa cao cả, thiêng liêng.
Suốt mấy chục năm qua, biết bao người Việt “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Trong số những câu quân hành mãi khắc sâu vào ký ức, tâm khảm của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội, có lời ca hào hùng “Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác”. Cán bộ, chiến sĩ ta tôn kính Bác Hồ xuất phát từ tình cảm rất đỗi tự nhiên, thiêng liêng vì “Đoàn vệ quốc chúng ta là con yêu của Người/ Thề noi gương suốt đời vì nhân dân”.
Tên tuổi, sự nghiệp cách mạng và tấm gương vĩ đại của Bác đã trở thành một phần tất yếu của lịch sử QĐND Việt Nam. Hiện nay, toàn quân có hơn 1.550 phòng Hồ Chí Minh-một thiết chế văn hóa ở đơn vị cơ sở mang tên người Anh hùng Giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, như một minh chứng thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ đối với Bác Hồ-vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu đã sáng lập, đặt tên cho QĐND Việt Nam.
Tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúng ta tự hào về Đảng quang vinh, dân tộc Việt Nam và QĐND Việt Nam anh hùng, vì Người là linh hồn của Đảng, là trí tuệ, phẩm giá, lương tâm, danh dự của dân tộc Việt Nam, là Người cha thân yêu của các LLVT nhân dân Việt Nam. Do vậy, trung thành với Đảng, tiếp bước con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị của một quân đội cách mạng, mà còn là tình cảm tri ân vị lãnh tụ đã sinh ra Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người đã có lời dự báo “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang” và điều đó đã trở thành sự thật.
(còn nữa)
THIỆN VĂN