Đặc biệt, những năm gần đây, đơn vị đã sửa chữa thành công nhiều chủng loại máy bay phản lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, góp phần nâng cao uy tín, bản lĩnh của những người lính thợ.

Nhiệm vụ Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) giao khá nặng nề, đó là thực hiện dự án sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27, sửa chữa cục bộ máy bay Su-30 và dự án sửa chữa xe máy đặc chủng. Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy đã đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ tập thể, định hướng chiến lược, dám nghĩ, dám làm.

Cán bộ, kỹ sư Phân xưởng 6, Nhà máy A32 đang sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27UBK số hiệu 8526.

Chung sức, đồng lòng vượt khó

Cuối xuân, nắng như đổ lửa, khu vực sân bay quân sự Đà Nẵng hơi nóng hầm hập bốc lên đường băng rát mặt. Vậy mà đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật Nhà máy A32 vẫn miệt mài, hăng say làm việc. Các phân xưởng đang gấp rút sửa chữa, lắp ráp hoàn thiện chi tiết cuối cùng của những chiếc máy bay phản lực Su-27 cho kịp tiến độ, thời gian bàn giao. Nhìn những chiếc máy bay phản lực đang chờ đợi giây phút bay lên chinh phục bầu trời, mấy ai biết rằng cách đây vài chục năm, nơi này chỉ là một xưởng sửa chữa nhỏ bé với những phương tiện cũ kỹ, lạc hậu.

Cùng Giám đốc Nhà máy A32 tham quan phòng truyền thống, lời tâm sự của Đại tá Trương Minh Đức giản dị mà chân thành: “Tự hào là đơn vị kỹ thuật đầu tiên của Quân chủng PK-KQ vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Khắc ghi lời dạy của Người, chặng đường hơn 53 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân nhà máy luôn phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi xác định, vinh quang và thử thách luôn song hành trên đôi vai người lính thợ”.

Trò chuyện với vị giám đốc xông xáo, dám nghĩ, dám làm, chúng tôi phần nào hiểu rõ hơn nhiệm vụ của những người lính thợ chuyên “chữa bệnh” dòng máy bay phản lực... Sau khi được Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ giao nhiệm vụ thực hiện dự án sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27, sửa chữa cục bộ máy bay Su-30 và dự án sửa chữa xe máy đặc chủng, buổi đầu nhận nhiệm vụ, các đồng chí trong ban giám đốc nhiều đêm thức trắng, mắt thâm quầng vì lo lắng, bởi trước đây, việc tăng tổng niên hạn, sửa chữa lớn các dòng máy bay Su-27, Su-30 đều phải gửi ra nước ngoài rất tốn kém, mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị không quân. Không lo sao được khi các anh chính là đầu tàu, là những người đứng mũi chịu sào. 

Máy bay Su-27 số hiệu 6001 trong quá trình hoàn thiện sau đợt sửa chữa lớn ở Nhà máy A32.

Đại tá Đặng Xuân Thi, Phó giám đốc nhà máy (người có thâm niên 30 năm gắn bó với ngành động cơ máy bay phản lực) kể: Ngày ấy khi được quân chủng giao nhiệm vụ, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Sau khi xác định rõ hướng đi, cách làm, Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy mạnh dạn cử đội ngũ cán bộ ngành kỹ thuật đến các trung đoàn, sư đoàn không quân để tìm hiểu, tiếp thu kinh nghiệm thực tế. Được sự nhất trí của Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ, đơn vị cử hàng chục cán bộ đi học tập nước ngoài có nhiệm vụ vừa học, vừa làm, tranh thủ thời gian sưu tầm, biên dịch các loại tài liệu liên quan tới quy trình, công nghệ máy bay phản lực. Thực tế, đội ngũ cán bộ, kỹ sư nhà máy đã tranh thủ thời gian sưu tầm, biên dịch gần 700.000 trang tài liệu tiếng nước ngoài và tiếng Việt. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy còn chủ động mời chuyên gia nước ngoài tư vấn, giúp đỡ chuyên sâu về máy bay phản lực; tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên ngành, trình độ, tay nghề cho công nhân… Lãnh đạo, Ban giám đốc nhà máy thường xuyên xuống từng phân xưởng động viên anh em công nhân, khích lệ đội ngũ cán bộ, kỹ sư chung sức, chung lòng bàn cách tháo gỡ khó khăn. 

Đầu tàu “chữa bệnh” máy bay tiêm kích

Cùng Trung tá Phạm Bá Nguyên, Phó giám đốc Kỹ thuật nhà máy đến Phân xưởng 6 (phân xưởng được ví như nhà máy thu nhỏ, là đầu tàu “chữa bệnh” dòng máy bay phản lực), chúng tôi thực sự bị thuyết phục bởi không khí lao động say sưa, nghiêm túc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật. Thiếu tá QNCN Lê Hồng Trình, Tổ trưởng Tổ sản xuất cho biết: “Phân xưởng 6 là nơi tổng lắp ráp, kiểm thử, bay thử cho máy bay Su-27. Đây còn là nơi sửa chữa cục bộ, tăng hạn sử dụng thay Foam (chất chống cháy, nổ thùng dầu của máy bay chiến đấu) và cơ động sửa chữa nắp buồng lái dòng máy bay Su cho các đơn vị. Thế nên yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân viên phải cẩn trọng, tỉ mỉ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mọi người phải làm việc thông tầm, xuyên đêm với tinh thần “tất cả vì những chuyến bay an toàn”.

Vốn không thích nói về mình, nhưng vì nể tình đồng hương nên Đại úy, kỹ sư Đinh Văn Hoan, Quản đốc Phân xưởng 6 đã kể cho chúng tôi nghe về những công đoạn, những khó khăn, thử thách trong quá trình sửa chữa máy bay Su-27. Thử thách đầu tiên là việc tháo rời, tháo rã toàn bộ máy bay để kiểm tra tất cả linh kiện, phụ kiện. Chỉ riêng công đoạn tháo dỡ, tháo rời và tẩy rửa một chiếc máy bay cũng mất ba tháng trời. Tiếp đến, công đoạn lắp ráp và hiệu chỉnh cũng mất thời gian từ 3 đến 4 tháng. Mỗi máy bay phản lực Su-27 được đưa đến sửa chữa, tăng tổng niên hạn phải qua 11 phân xưởng của nhà máy. Mỗi công đoạn ở các phân xưởng đều được ghi chép cẩn thận, chi tiết, bảo đảm tuân thủ quy trình hết sức nghiêm ngặt. Chỉ cần một sai sót nhỏ, một linh kiện không đúng niên hạn, một đinh ốc đặt sai vị trí sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn rất cao. Mỗi mảng kỹ thuật đều có hồ sơ chi tiết từ lúc trước khi tháo dỡ, lắp ráp đều phải chụp ảnh lưu để so sánh. Hồ sơ “bệnh án” của chiếc Su-27 này lên đến gần 100 quyển.

Để minh chứng cho những điều vừa kể, Quản đốc Đinh Văn Hoan dẫn chúng tôi tham quan phân xưởng đầu tàu “chữa bệnh” loại máy bay phản lực. Có thể nói, Phân xưởng 6 như một nhà máy sửa chữa thu nhỏ, bởi hơn 10.000 linh kiện của máy bay sau khi tháo rời, kiểm tra, sửa chữa từ các phân xưởng khác được tập kết về đây để lắp ráp, kết nối các bộ phận với nhau; sau đó thông mạch, khởi động lại thành máy bay hoàn chỉnh, tiến hành bay thử rồi bàn giao cho các đơn vị chiến đấu. Do đặc thù nhiệm vụ nên Phân xưởng 6 được Ban giám đốc nhà máy ưu tiên số cán bộ, kỹ sư, nhân viên đầu ngành, như: Máy bay động cơ, vô tuyến điện tử, vũ khí hàng không, tổ sửa chữa nắp buồng lái… Số kỹ sư có kinh nghiệm được đề nghị cấp trên cử đi đào tạo thêm ở nước ngoài bên cạnh việc học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ còn có nhiệm vụ sưu tầm và biên dịch, biên soạn tài liệu sửa chữa. Sau khi về nước lại tổ chức tập huấn cho cán bộ, công nhân viên theo kế hoạch của nhà máy. Còn tại các tổ sản xuất, các kỹ sư thường xuyên bồi dưỡng cho công nhân từ nguyên lý đến thực hành trên máy móc theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, học đến đâu thực hành đến đó.

Thấy chúng tôi dừng lại khá lâu bên tập sổ sách dày cộp bằng tiếng Nga, Trung tá QNCN Nguyễn Đức Nhu, Tổ trưởng Tổ bộ môn chia sẻ: "Phần lớn chúng tôi làm việc theo kinh nghiệm, nhưng trên dây chuyền sửa chữa mới, các thuật ngữ, hướng dẫn đều bằng tiếng Nga nên đòi hỏi đội ngũ lính thợ phải thông thạo tiếng Nga. Vì vậy, khi nhà máy mở khóa học ngoại ngữ, chúng tôi tham gia 100% quân số. Đến nay, chúng tôi đã đọc được hầu hết các thông số, hướng dẫn trên tài liệu và khí tài, máy móc".

Trong quá trình sửa chữa, lãnh đạo, chỉ huy phân xưởng chủ động đề xuất các phương án nhằm phục vụ sản xuất, như: Mua mới hay khắc phục linh kiện; nâng cấp thiết bị kiểm tra, thử nghiệm; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đến nay, đại đa số cán bộ, kỹ sư của phân xưởng được bố trí đúng ngành nghề, đội ngũ công nhân kỹ thuật bậc cao như thợ bậc 7 chiếm hơn 40%. Đơn vị có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, như: Máy kiểm tra lá hướng dòng động cơ Su-27; chế tạo mới máy tạo áp thủy lực; xe tháo lắp, bộ dụng cụ tháo lắp động cơ… 

Phân xưởng đã cùng với các đơn vị trong nhà máy sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng và bay thử thành công bàn giao cho đơn vị chiến đấu máy bay Su-27 UBK số hiệu 8526 và máy bay Su-27 SK số hiệu 6001; tăng hạn sử dụng cho 10 lượt máy bay Su-27; sửa chữa tăng cường cho hệ thống nhiên liệu trên 4 máy bay Su-30 và khắc phục nhiều hỏng hóc của các loại máy bay khác. Đây là cơ sở để Phân xưởng 6 nói riêng, Nhà máy A32 nói chung tự chủ về dây chuyền công nghệ sửa chữa và tăng tổng niên hạn cho các dòng máy bay Su sau này.

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

(còn nữa)