Gắn bó với vùng cao
Kể từ ngày bám dân, bám bản, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sáng đã gắn bó với công việc khám, chữa bệnh cho bà con 15 xã thuộc 3 huyện: Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Điện Biên và Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Đây là các địa phương nằm trong vùng dự án do Đoàn KT-QP 326 quản lý. Từ bác sĩ điều trị rồi bệnh xá trưởng, ở cương vị nào Nguyễn Ngọc Sáng cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cấp ủy, chính quyền, người dân.
Năm 2002, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Sáng trúng tuyển vào Học viện Quân y, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa. Năm 2007, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng khá, anh có nhiều cơ hội thuận lợi làm việc tại bệnh viện vùng xuôi. Thế nhưng, gác lại những dự định, anh tình nguyện khoác ba lô lên đường và chọn nơi vùng cao Tây Bắc lập nghiệp. Thời điểm đó, ở các xã Mường Và, Mường Lèo, Nậm Lạnh, Sam Kha (huyện Sốp Cộp), cuộc sống bà con còn rất khó khăn, lạc hậu. Khi cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn thì việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân trở nên xa vời đối với bà con nơi đây. Mỗi khi có bệnh, bà con thường chữa trị bằng kinh nghiệm dân gian như mời thầy mo, thầy cúng về nhà “bắt bệnh”. Chỉ khi bệnh nặng, bà con mới tìm đến thầy thuốc. Từ trung tâm huyện Sông Mã (Sơn La) vào Đoàn KT-QP 326 lúc bấy giờ chỉ có con đường mòn duy nhất dài chừng 35km, cách di chuyển là đi bộ, nếu “tăng bo” bằng xe máy cũng phải mất tới nửa ngày đường. Vì thế, nếu chẳng may có người bị ốm, bà con gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế huyện để điều trị. Cảm nhận sự khó khăn của bà con nơi đây, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng đề xuất với chỉ huy đoàn tổ chức các chuyến công tác dài ngày từ một đến hai tháng về tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nơi bà con ít có điều kiện được chăm sóc sức khỏe và thụ hưởng các dịch vụ y tế, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, tuyên truyền, vận động, giúp bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, ăn ở hợp vệ sinh; đồng thời gần gũi tạo được niềm tin cho bà con. Từ những chuyến công tác đó, đội ngũ y sĩ, bác sĩ của bệnh xá biết được một số bệnh bà con thường gặp để có cách tư vấn, chữa trị kịp thời.
 |
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sáng thăm hỏi, cấp thuốc cho người dân bản Sam Soi, xã Mường Và (Sốp Cộp, Sơn La). |
Nhớ lại thời điểm ban đầu biết bà con không tin và còn ngại khi tiếp xúc với thầy thuốc quân y, Nguyễn Ngọc Sáng chủ động học thêm tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Lào do đơn vị tổ chức và học từ chính những bệnh nhân khi có điều kiện tiếp xúc. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động tích cực, linh hoạt của anh và đội ngũ thầy thuốc của bệnh xá, chỉ một thời gian ngắn, nạn tảo hôn ở địa phương giảm rõ rệt, bà con ăn ở hợp vệ sinh, tỷ lệ gia đình sinh đông con giảm hẳn. Cũng kể từ đó, nếu có bệnh là bà con tìm đến Bệnh xá Đoàn KT-QP 326 để được thầy thuốc quân y khám và điều trị.
Cũng có nhiều trường hợp không may do sức khỏe yếu không thể đến bệnh xá điều trị, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng lại cùng đồng đội tìm đến tận gia đình. Mới đây nhất là trường hợp ông Lò Văn Sịnh, 87 tuổi ở bản Mạt, xã Mường Lèo, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Vợ ông Sịnh thì bị tiểu đường biến chứng hơn 10 năm nay. Hiện tại mắt của bà không nhìn thấy được. Biết chuyện, hằng tuần anh Sáng trực tiếp đến gia đình khám bệnh, cấp thuốc, điều trị cho vợ chồng ông Sịnh. Cùng vớ đó, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng cũng nhiều lần vận động đội ngũ y sĩ, bác sĩ bệnh xá quyên góp ủng hộ bằng vật chất giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vượt qua khó khăn. Ví như trường hợp ông Lò Văn Hưng, 50 tuổi, ở bản Khá, xã Mường Lạn trong thời gian chăm sóc con trai điều trị được anh tặng khăn mặt, quần áo ấm, một chút tiền sinh hoạt. Việc làm nghĩa tình đó của anh khiến ông Hưng hết sức cảm động.
Cứu nhiều bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”
Gắn bó nhiều năm với bà con dân bản, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng không thể nhớ hết có bao nhiêu bệnh nhân đã được anh cứu chữa khỏi bệnh. Song cũng có nhiều trường hợp anh nhớ rất rõ vì cứu sống họ thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Anh kể, thời điểm tháng 2-2018, khi đơn vị đang chuẩn bị ăn Tết tất niên thì nhận được tin báo có bệnh nhân vừa chuyển đến bệnh xá trong tình trạng khó thở, vật vã, kêu la, toàn thân chảy máu do bị tai nạn lao động. Khi đó, anh trực tiếp chỉ huy kíp trực chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu, kiểm tra nhanh các chỉ số sinh tồn rồi tiến hành chống sốc tại chỗ, giảm đau, an thần, cầm máu vết thương, đặt đường truyền tĩnh mạch cho người bệnh. Sau khoảng 30 phút được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân ổn định. Được đội ngũ y sĩ, bác sĩ của bệnh xá chăm sóc tận tình, nên chỉ sau 10 ngày sau điều trị bệnh nhân đã dần bình phục.
Mới đây nhất, vào tháng 4-2019, anh Sáng và đồng nghiệp đã cứu sống một bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch. Hôm đó vào chiều chủ nhật, đang kiểm tra sức khỏe cho người bệnh, anh Sáng nghe thấy có tiếng gọi thất thanh của người phụ nữ chừng 60 tuổi: "Cứu con tôi với! Các bác sĩ cứu con tôi với!". Nhìn ra ngoài, anh thấy một tốp 5 người cùng một người phụ nữ đang bị kích thích mạnh, kêu la đòi tìm cái chết. Hỏi ra mới biết do mâu thuẫn gia đình, suy nghĩ tiêu cực, người phụ nữ ấy đã ăn lá ngón, được người nhà đưa đến khi đầu ngón tay, chân, môi đã tím tái. Nhận định đây là trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp do ngộ độc lá ngón, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng nhanh chóng huy động nhân viên gây nôn, rửa dạ dày cho bệnh nhân. Vừa thực hiện anh vừa động viên và làm công tác tư tưởng giúp bệnh nhân ổn định tâm lý. Bằng kinh nghiệm thực tiễn và sử dụng các loại thuốc đúng liều lượng, chỉ sau 45 phút, kíp trực đã cứu sống bệnh nhân.
Đại tá Trần Văn Chanh, Chính ủy Đoàn KT-QP 326 cho biết: “Gắn bó nhiều năm với vùng cao, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sáng được bà con trên địa bàn rất quý mến. Là người vừa tổ chức và trực tiếp điều trị, đồng chí Sáng không những có năng lực chuyên môn giỏi, mà còn thể hiện ý thức và trách nhiệm cao trong công việc. Vì thế, hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân của Bệnh xá Đoàn KT-QP 326 luôn được đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Những việc làm tình nghĩa của bác sĩ Sáng góp phần cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị xây dựng, củng cố "thế trận lòng dân" vững chắc trên địa bàn”.
Bài và ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG