Sau hơn 10 ngày di chuyển bằng tàu hỏa, tôi đặt chân đến thủ đô của Liên bang Xô Viết và được vào học tiếng Nga tại khoa dự bị Trường Đại học Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov (MGU) để sau đó tiếp tục vào học tại Khoa Báo chí.
 |
Thầy Yasen Nicolaievich Zasurski tặng sách tác giả trong phòng làm việc tại Khoa Báo chí MGU. Ảnh: LÊ NGUYÊN.
|
Từ đó đến nay, ngôi trường danh giá này và đặc biệt là Khoa Báo chí MGU trở thành một phần của cuộc đời tôi. Tôi được học những bài đầu tiên về tiếng Nga ở đây, được học tập và nuôi dưỡng ước mơ về nghề báo, được giao lưu, gặp gỡ với những nhà báo, nhà văn, nhà điện ảnh nổi tiếng của Liên Xô tại đây. Và cũng từ đây, tôi nhận tấm bằng loại ưu, tốt nghiệp ngành báo chí truyền hình trở về đất nước công tác, bắt đầu chặng đường làm báo gần 40 năm của mình. Những kỷ niệm về trường, về khoa, về những người thầy, người bạn Liên Xô và quốc tế đã đi suốt cùng tôi cho đến nay và mãi mãi về sau. Đặc biệt, tôi nhớ mãi hình ảnh của thầy Trưởng khoa Báo chí Yasen Nicolaievich Zasurski, người sau này được tôn vinh là “tổ phụ” của báo chí hiện đại Liên Xô và Nga, một trưởng khoa huyền thoại với một tri thức uyên bác lạ thường, người liên tục 42 năm giữ cương vị trưởng khoa (1965-2007) và từ năm 2007 đến nay vẫn là Chủ tịch danh dự của khoa.
 |
Trở lại giảng đường năm xưa. Ảnh: LÊ NGUYÊN. |
Thầy là một vị trưởng khoa danh tiếng và là vị trưởng khoa lâu năm nhất của trường MGU. Năm 1972, những ngày mới bước vào Khoa Báo chí, với vốn tiếng Nga chưa nhiều sau một năm học dự bị, chúng tôi đã được nghe các sinh viên khóa trước ca ngợi thầy và những bài giảng của thầy. Là trưởng khoa, đồng thời là Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử báo chí và Văn học nước ngoài, thầy trực tiếp lên lớp về văn học Mỹ, về lịch sử báo chí thế giới. Ngày đó, những giờ học của thầy, giảng đường lúc nào cũng hết chỗ ngồi. Tôi bao giờ cũng đến sớm, ngồi ở vị trí bàn đầu để nghe cho rõ. Các bài giảng của thầy nhiều kiến thức, nhiều thông tin và luôn cập nhật những thông tin mới nhất nên có sức lôi cuốn, giúp sinh viên mở mang tầm nhìn, gợi mở suy nghĩ. Lâu lâu, thầy lại có những chuyến công du nước ngoài, đi hội thảo, thuyết trình, giảng dạy về báo chí ở các nước phương Tây. Thời “Chiến tranh Lạnh”, ở các nước tư bản, người ta gọi thầy là ông “trưởng khoa đỏ”, hàm ý thầy từ một nước cộng sản, nhưng luôn thể hiện sự kính trọng và ngưỡng mộ thầy.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy là khả năng sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Sau này tôi mới biết thầy từng được coi là một “thần đồng” với năng khiếu ngoại ngữ siêu phàm. Năm 14 tuổi, tốt nghiệp sớm phổ thông, thầy đã thi vào Học viện Sư phạm ngoại ngữ Moscow mang tên Maurice Torez. Và 19 tuổi, thầy đã tốt nghiệp học viện. 22 tuổi thầy bảo vệ xuất sắc luận án về văn học Mỹ. Trước khi về Khoa Báo chí của Trường MGU công tác, thầy từng là biên tập viên của Nhà xuất bản Văn học nước ngoài.
Có lẽ với vốn ngoại ngữ và trí thông minh “trời cho” ấy, thầy đã tích lũy và làm giàu không ngừng vốn kiến thức đỉnh cao, không chỉ về văn học, báo chí mà về tất cả lĩnh vực. Sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ sinh viên và đồng nghiệp ở Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay và hàng nghìn học trò trên khắp thế giới về thầy, trước hết là ở sự uyên bác. Mỗi khi có dịp trò chuyện với thầy, chúng tôi luôn có cảm giác thầy biết hết mọi chuyện trên thế giới, không chỉ sơ sơ mà là hiểu rõ và sâu. Tôi nhớ, mỗi lần gặp chúng tôi tại khoa, thầy hào hứng nói chuyện và hỏi chuyện về lịch sử Việt Nam. Thầy phân tích sâu sắc về chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, lý giải tại sao Pháp thua Việt Nam ở Điện Biên Phủ. Khi lên lớp về hệ thống báo chí các nước XHCN, thầy giảng rất kỹ và sâu về hệ thống báo chí Việt Nam. Điều đó làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, không biết thầy nghiên cứu từ những nguồn nào? Sau này, khi nào gặp chúng tôi, thầy đều khuyên: “Các em phải chịu khó, tranh thủ điều kiện học tập tại Liên Xô, đọc và tích lũy kiến thức càng nhiều, càng rộng, càng tốt. Làm báo là phải biết nhiều”. Một lần, gặp tôi đang đọc sách, tra cứu tài liệu ở Thư viện Khoa học nằm bên cạnh Khoa Báo chí, thầy đến tận nơi động viên: Cố gắng em nhé!
 |
Khoa Báo chí MGU. Ảnh: LÊ NGUYÊN. |
Sau này, khi bước vào nghề báo, trải qua các cương vị khác nhau, từ phóng viên, biên tập viên đến cán bộ quản lý và làm Tổng biên tập tôi mới hiểu, với người làm báo, học tập thực sự là việc suốt đời. Kiến thức đối với người làm báo là không bao giờ đủ. Muốn làm báo giỏi, nhất thiết phải có vốn kiến thức rộng và sâu.
Trong 42 năm làm Trưởng khoa và từ năm 2007 đến nay là Chủ tịch danh dự của Khoa Báo chí, ước tính có 16.000 trong số 20.000 sinh viên của Liên Xô, Nga và hàng chục nước trên thế giới học tập tại khoa được là học trò của thầy. Ai cũng tự hào được làm học trò của Yasen N.Zasurski và ai cũng thấy những kiến thức mà thầy truyền dạy là vốn quý suốt đời cho nghề báo. Thầy nói, làm báo cần 3 điều: Ham tìm tòi, trung thực và dũng cảm; hay làm báo là phải nghĩ cách giúp người đọc giải quyết những vấn đề mà họ gặp trong cuộc sống.
Sức hấp dẫn của thầy, bên cạnh sự uyên bác, lại chính là sự giản dị, khiêm tốn và luôn tôn trọng người khác. Với bất cứ ai, thầy cũng nhanh chóng tìm ra ngôn ngữ chung để đối thoại, tâm sự, chia sẻ. Điều đó lý giải vì sao, tuy là sinh viên nước ngoài, nhưng với thầy, chúng tôi luôn cảm thấy gần gũi, thân thiết. Những năm tháng Việt Nam còn chiến tranh, mỗi khi gặp chúng tôi, thầy hỏi kỹ về gia đình, tình hình Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam… Thầy luôn quan tâm tới điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập; lắng nghe và giải quyết mọi đề nghị của chúng tôi từ những việc nhỏ nhất. Bên cạnh thầy, chúng tôi luôn cảm nhận hơi ấm của tình thương yêu và lòng nhân từ.
Tôi rất biết ơn Đài Truyền hình Việt Nam năm 2010 đã tổ chức Chương trình giao lưu “Thầy trò Xô-Việt”, trong đó thầy Yasen N.Zasurski là một trong số những khách mời đến từ nước Nga. Đó thực sự là mong ước của chúng tôi!-hàng chục học trò của thầy đang công tác tại các cơ quan và cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam, trong đó có nhiều người thành đạt, đang giữ các vị trí quan trọng. Chúng tôi rất vui bởi cuối cùng được đón thầy trên đất nước mình, hiện thực hóa lời ước năm nào được gặp thầy tại Việt Nam.
Nhân chuyến thăm này, chúng tôi đã mời thầy đến nói chuyện tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong buổi nói chuyện hôm đó, thầy nêu lại một vấn đề mà thầy từng nói với chúng tôi mấy chục năm trước: Nhà báo phải luôn có ý thức trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phân tích các vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Báo chí không được quên sứ mệnh của mình là phân tích và diễn giải. Đặc biệt khi các loại hình thông tin điện tử trên mạng bùng nổ thì báo chí truyền thống, báo in và tạp chí phải phân tích, phân tích và phân tích! Nếu làm được điều này thì báo in không bao giờ chết và không thể thay thế. Rõ ràng, tầm nhìn của thầy rất xa và những gì diễn ra hôm nay đang đòi hỏi như vậy.
Còn nhớ, năm 2012, nhân cuộc gặp mặt toàn thế giới cựu sinh viên các trường đại học, cao đẳng của Liên Xô và Nga tại Moscow, tôi đến trường thăm thầy. Thầy tiếp tôi ngay trong phòng làm việc, giữa “núi” sách vở, tài liệu. Lúc này thầy đã thôi là trưởng khoa nhưng vẫn là Chủ tịch danh dự của khoa, công việc vẫn bận rộn như xưa: Lên lớp, chủ trì hội đồng khoa học, tham gia hướng dẫn các đề tài nghiên cứu và vẫn say mê viết sách. Thầy tặng tôi những tác phẩm mới nhất, có giá trị lý luận và thực tiễn về báo chí Nga nói riêng và báo chí thế giới nói chung. Điều khiến tôi ngạc nhiên là thầy vẫn nhớ và hỏi thăm từng sinh viên cũ đã từng gặp thầy tại Việt Nam. Thầy hỏi kỹ về công việc của tôi ở Báo Quân đội nhân dân và tiếc là năm 2010 không có đủ thời gian đến thăm báo. Thầy nói, thầy yêu Việt Nam và quý trọng tình cảm của các sinh viên Việt Nam. Trong phòng làm việc, thầy đặt ở vị trí trang trọng tấm Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam trao tặng, ghi nhận công lao của thầy trong việc giúp đỡ đào tạo cán bộ báo chí Việt Nam. Thầy luôn nói với chúng tôi: “Việt Nam là đất nước tươi đẹp, có những con người tuyệt vời đã làm nên những chiến thắng bất hủ. Nếu sức khỏe cho phép, tôi muốn đến Việt Nam thêm nhiều lần nữa”.
5 năm sau, năm 2017, tôi lại có dịp đến thăm thầy. Thầy đã sắp bước vào tuổi 90 nhưng vẫn không thôi công việc. Hôm ấy, tuy đã hẹn trước, tôi phải ngồi đợi thầy khá lâu, vì thầy đang chủ trì Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học của một nghiên cứu sinh người Mỹ. Xong việc, thầy cho trợ lý gọi tôi vào. Tôi hơi bất ngờ thấy thầy ngồi xe lăn. Điều tôi rất mừng là trí tuệ của thầy vẫn sáng suốt như xưa, sự sáng suốt hiếm thấy. Những câu chuyện của thầy luôn tràn đầy năng lượng, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người đối thoại.
Năm 2018, tôi sang Moscow cùng gia đình. Tôi đã đưa vợ, con cùng cháu nội, đủ ba thế hệ, đến thăm Khoa Báo chí MGU. Rất tiếc, vì thời gian quá gấp, tôi không được gặp thầy. Tôi hỏi thăm sức khỏe thầy, được biết tuy sức khỏe có giảm so với mấy năm trước nhưng thầy vẫn lên khoa khi có việc. Mỗi bước đi trong khuôn viên và các hành lang, các giảng đường, ký ức những năm tháng học tập tại đây lại ùa về…
Một sự trùng hợp tuyệt vời là đầu tháng 11-2019, chỉ sau một ngày khi ở Khoa Báo chí MGU, các thầy cô, bạn bè, các thế hệ sinh viên… long trọng tổ chức mừng thọ thầy Yasen N.Zasurski 90 tuổi, thì tại Hà Nội, 5 cựu sinh viên Khoa Báo chí MGU, đã và đang giữ cương vị tổng biên tập các cơ quan báo chí của Việt Nam, trong đó có tôi, đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh “Nơi ấy nước Nga”. Đây là cách để chúng tôi nói lời cảm ơn Liên Xô, nước Nga và Trường Đại học Tổng hợp Moscow yêu dấu, nơi chúng tôi có những năm tháng sinh viên đáng nhớ, nơi chúng tôi được sống, học tập trong sự đùm bọc, yêu thương của các thầy, các cô trong đó có thầy trưởng khoa đáng kính.
Tôi tâm đắc hình ảnh một bạn cựu sinh viên người Thụy Sĩ viết về thầy Yasen N.Zasurski mừng thầy đại thọ 90 tuổi: Trên thế giới có hàng nghìn nhà báo là “những chú gà con bước ra từ cái tổ của Yasen”. Vâng, bên cạnh hàng chục nghìn nhà báo Xô Viết, nhà báo Nga, còn có rất đông các nhà báo từ khắp 5 châu, trong đó có hàng chục nhà báo Việt Nam, bước ra từ cái tổ ấy, dưới đôi cánh che chở, ấp ủ, yêu thương của vị tổ phụ nghề báo Yasen Nicolaievich Zasurski.
PHÚC NGUYÊN (cựu sinh viên Khoa Báo chí MGU-khóa 1972-1977)