Thật may mắn khi tôi có mặt tại xứ sở bạch dương đúng dịp Việt Nam và Nga có nhiều hoạt động giao lưu, quảng bá, xúc tiến thương mại có ý nghĩa nhân kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt-Nga (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950-2020). Thời gian lưu dấu chân nơi đây dù không dài, nhưng đủ cho tôi cảm nhận sâu sắc về đất nước Nga vĩ đại.

Ngay từ nhỏ, qua những thước phim: Cách mạng Tháng 10 Nga, Tình khúc Bạch Dương...; các ca khúc: Chiều Moscow, Nước Nga-Tổ quốc tôi, Đôi bờ, Kachiusa, Triệu đoá hồng…, tôi đã thực sự ấn tượng về Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay. Ở đó có những người phụ nữ rất đẹp và phúc hậu, có những chàng trai quả cảm vì Tổ quốc, có những rừng bạch dương bất tận, hun hút, những dải đất như được dát vàng bởi lá mùa thu và những bông tuyết trắng xoá khi Đông về… Nhưng khi có mặt tại nơi này, điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên bởi nước Nga đẹp, hùng tráng hơn rất nhiều so với những tưởng tượng trước đây. Chính sự bề thế và rộng lớn như vậy mà Nga được xếp vào đất nước có lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới.

Tác giả chụp trước Khải Hoàn Môn ở Moscow.

Ngày đầu tiên chúng tôi có mặt ở Thủ đô Moscow khi cơn mưa đổ xuống tí tách nên cảnh vật có phần ảm đạm, nhưng không thể phủ nhận nước Nga vẫn rất đẹp. Những ngôi nhà ở đây đa phần đều được phủ lên lớp sơn có gam trầm đi cùng năm tháng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Nước Nga có rất nhiều cảnh đẹp và hùng vĩ gắn liền với lịch sử đất nước. Trong đó, hai thành phố du lịch hàng đầu của Nga là Moscow và Saint Peterburg. Tại Moscow, nhiều cảnh đẹp đã đi vào lịch sử, được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản của toàn nhân loại như Cung điện mùa Đông, Quảng trường Đỏ, Điện Kremlin, hay Tòa thánh Basil…

Đi dọc theo Đại lộ từ khách sạn Hà Nội-Moskva, đoàn dừng chân tại Quảng trường Đỏ - “trái tim của Moscow và nước Nga”, nơi có nhiều nét kiến trúc cổ kính bao quanh, được khoác lên mình đương nhiên là… sắc màu đỏ. Đây là khu vực rộng lớn nằm ở ngay trung tâm Moscow. Từ Quảng trường Đỏ, các tuyến đường chính của Moscow tỏa đi khắp mọi nơi, đồng thời là khu vực tập trung rất nhiều công trình huyền thoại của nước Nga như: Điện Kremlin, nhà thờ Thánh Basil, Bảo tàng lịch sử, Lăng Lênin…; là nơi tổ chức rất nhiều sự kiện quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử của nước Nga. Quảng trường Đỏ được hình thành từ thế kỷ 15 dưới thời của Sa hoàng Ivan với tên gọi ban đầu là Quảng trường Trinity. Có nhiều giả thiết được đặt ra cho cái tên Quảng trường Đỏ nhưng theo nhiều người tên quảng trường có nguồn gốc từ chữ “Krasnaya”, gốc ban đầu trong tiếng Nga cổ có nghĩa là đẹp, theo thời gian nó mang ý nghĩa là đỏ. Trong suốt thời gian dài, Quảng trường Đỏ là nơi diễn ra các cuộc hội họp, các sự kiện quan trọng của đất nước bao gồm các lễ hội tôn giáo, các bài diễn văn hoặc thông cáo của chính phủ. Thậm chí nơi đây còn từng là pháp trường. Quảng trường là nơi diễn ra những cuộc duyệt binh của quân đội Liên Xô trước đây và Nga ngày nay, trong đó đáng chú ý nhất là vào năm 1941, xe tăng của Hồng quân Liên Xô đã lăn bánh thẳng từ Quảng trường Đỏ ra chiến trường chiến đấu chống lại quân phát xít Đức.

Khu vực Quảng trường Đỏ luôn thu hút nhiều người, trong đó có khách quốc tế, đến tham quan.

Chia tay Quảng trường Đỏ, đặt chân đến hệ thống tàu điện ngầm Moscow, chúng tôi thực sự choáng ngợp bởi “cung điện” ngầm lộng lẫy tại Thủ đô nước Nga. Không chỉ người dân địa phương mà nhiều khách du lịch khi đến đây có nhận định: Nếu từng đến Moscow mà chưa đặt chân đến nhà ga tàu điện ngầm thì chuyến đi của bạn thực sự chưa trọn vẹn. Bởi vì các nhà ga nơi đây không chỉ có nhiệm vụ trung chuyến khách hàng mà còn được “tô điểm” thực sự ấn tượng, khiến bất cứ ai dù đặt chân đến lần đầu hay nhiều lần sau đó đều cảm thấy thích thú và ngưỡng mộ. Chính vẻ đẹp độc đáo khiến Moscow càng thêm nổi tiếng; trở thành ký ức thật đẹp của mỗi người khi nhắc nhớ về nước Nga vĩ đại.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, hệ thống tàu điện ngầm ngầm Moscow, được khai trương từ năm 1935, có 14 tuyến đang hoạt động ở trung tâm Thủ đô đến vùng ngoại ô với hơn 9 triệu lượt người sử dụng hằng ngày. Nhà ga thường mở cửa từ 5 giờ 30 phút sáng cho đến 1 giờ 30 phút sáng hôm sau. Mật độ các chuyến tàu đến ga khá dày, vào thời gian cao điểm, mật độ các chuyến tàu đạt 90 giây một chuyến trên tất cả các tuyến. Điều đáng nói là mỗi ga tàu lại được thiết kế và có đặc trưng riêng. Chẳng hạn nếu ga tàu điện ngầm Komsomolskaya (khai trương vào năm 1952), kết hợp với 3 nhà ga đường sắt ở trên mặt đất (Leningradsky, Yaroslavsky và Kazansky) tạo thành cửa ngõ ra vào đông đúc và nhộn nhịp nhất của Thủ đô Moscow thì ga tàu điện ngầm Taganskaya nổi bật với các họa tiết trang trí về chủ đề lịch sử quân sự và người lính; ga Kievskaya được ví như phòng trưng bày nghệ thuật dưới lòng đất. Các chi tiết nội thất bên trong nhà ga Komsomolskaya được trang trí theo phong cách kiến trúc thời kỳ Stalin: Hai hàng cột, đường viền có phào chỉ, mái vòm khổng lồ và các họa tiết đặc sắc; đây là nhà ga duy nhất có chiều cao 9m, thay vì tiêu chuẩn chung 5,5m của hệ thống tàu điện ngầm Moscow…

Rời những “cung điện” độc đáo dưới lòng đất, đi thăm thú thành phố Moscow, tôi bắt gặp rất nhiều ngôi nhà có lịch sử hàng trăm năm, có lẽ đó cũng chính là lý do cho “màu áo” của chúng. Nhưng ở khía cạnh khác, theo tôi cảm nhận, là bởi văn hoá, bởi khí hậu mà các ngôi nhà ít màu sắc hơn ở Việt Nam. Và một điều đáng chú ý là dọc các tuyến đường, mặc dù vẫn có tình trạng giao thông ùn ứ vì mỗi gia đình đều sở hữu ô tô nhưng tôi rất ít khi bắt gặp màu áo của cảnh sát giao thông. Tất cả các lỗi của người tham gia giao thông đều được xử lý qua hình ảnh ghi tại các nút giao thông. Bởi vậy nên dù vào giờ cao điểm nhưng người dân tham gia giao thông vẫn tuân thủ nghiêm ngặt theo trật tự và làn đường.

Anh Nguyễn Hảo, một người Việt sinh sống tại Moscow cho biết: Người dân ở đây rất ý thức, họ không bao giờ vứt rác ra nơi công cộng. Hơn nữa cứ theo chu kỳ, các xe chở nước sẽ đi dọc các tuyến đường để rửa nên bạn thấy đó, các con đường ở đây luôn sạch và đẹp. Ngoài các vỉa hè dành cho người đi bộ (vì người Nga đi bộ rất nhiều), các ngôi nhà (dù kinh doanh) cũng đều và thẳng tắp. Ở đây, tất cả các gian hàng đều bày bán sản phẩm phía trong ô cửa sổ.

Khung cảnh mùa thu nước Nga đẹp tuyệt vời.

Một người bạn đồng hành của tôi nói đùa: Cái lạnh ở đây cũng thật “quý tộc”. Đúng là vậy, dù trời lạnh sâu dưới 0 độ C nhưng không hề có cảm giác cứa buốt vào da thịt. Hơn nữa chỉ cần dừng xe, vào bất cứ khu trung tâm hay ngôi nhà nào, bạn cũng đã được sưởi ấm bởi hệ thống máy sưởi nên cái lạnh ở đây không phải là mối lo đối với mọi người.

Có một điều khá thú vị là nhiều ý kiến cho rằng người Nga trông khá lạnh lùng vì không có thói quen mỉm cười với người lạ. Song thực tế, họ rất mến khách và khá quan tâm đến việc giao tiếp với những người tới từ nhiều quốc gia khác cũng như sẵn sàng giúp đỡ khách thập phương… Khi xuống sân bay hay đến khách sạn, chúng tôi đều được chào đón bằng những nụ cười tươi tắn của những chàng trai, cô gái Nga. Ngoài ra, tôi đã thử hỏi đường một vài người địa phương, dù tiếng Nga của bản thân khá “bập bõm”, nhưng ai ai cũng đều nhiệt tình, cởi mở, nhẫn nại lắng nghe tôi và hướng dẫn một cách rất tận tình.

Đi xa hơn nữa khỏi trung tâm thành phố, chúng tôi bắt gặp bạt ngàn những hàng cây bạch dương-loài cây từng là “nhân vật” xuất hiện rất nhiều trong thơ, ca, nhạc họa và những câu chuyện cổ tích của Liên Xô/Nga. Vào mùa này, cây trơ trụi lá, cùng với màu trắng từ thân hòa trong tuyết lạnh của mùa đông và không khí trầm mặc, nó tạo cho nơi này một nét đẹp có một không hai, để bất cứ ai từng đi qua, từng cảm thụ đều ấn tượng với điểm nhấn này và thốt lên: Thật tuyệt vời!

Đến nước Nga, ngoài cảm thụ về tính cách Nga mạnh mẽ, dù có đối mặt với hiểm nguy, gian khó vẫn lạc quan đứng dậy và làm nên chiến thắng, thì còn là sự lãng mạn được thể hiện qua cách giao tiếp, cách sống, cách thưởng ngoạn, cách mà họ sẵn sàng hát, sẵn sàng bung ra những nốt nhạc làm say lòng người dù nơi đó là đường phố, hay tại ga điện ngầm. Tất cả những điều đó đã tạo nên văn hoá Nga mà bất cứ du khách nào khi đặt chân đến nơi này đều cảm thấy trân trọng, nhớ mãi.

Bài và ảnh: TRẦN HIỀN