Trở thành lính tăng để thỏa mãn đam mê 

Tới thăm Xưởng sửa chữa Thông tin vào đúng dịp đơn vị chuẩn bị kỷ niệm 35 năm truyền thống (3-6-1989 / 3-6-2024), tôi bắt gặp không khí làm việc khẩn trương, tinh thần vui tươi, phấn khởi của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây.

Dẫn tôi tham quan Phân xưởng 1, một trong 3 phân xưởng chủ công của đơn vị, Trung tá Phạm Thanh Tùng cho biết: “Các trang thiết bị thông tin trên xe TTG của các đơn vị trong và ngoài Binh chủng bị hư hỏng được bàn giao lại cho đơn vị đảm nhiệm sửa chữa. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây có trình độ tay nghề cao, chuyên sâu, có bề dày kinh nghiệm lâu năm, nhất trong lĩnh vực sửa chữa thông tin trên xe TTG”.

Phân xưởng 1 là nơi Trung tá Phạm Thanh Tùng từng gắn bó và có nhiều kỷ niệm. Anh chia sẻ với tôi “cái duyên” đến với binh nghiệp rồi đưa anh tới Phân xưởng 1: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Bố tôi là giáo viên dạy môn cơ khí ở Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi (tiền thân là Trường Công nhân Tàu Cuốc) đứng chân ở xã Dân Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng (nay là huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Những năm học phổ thông, mỗi dịp nghỉ hè, tôi được bố đưa tới thăm trường bố dạy học. Tôi thấy bố làm việc vất vả, lúc nào dầu mỡ, mồ hôi bám đầy người nên dự định sau này không theo nghề cơ khí”. 

leftcenterrightdel
Trung tá Phạm Thanh Tùng (bên phải) cùng đồng nghiệp sử dụng sáng kiến “Bộ nguồn kiểm tra, sửa chữa VRU812, VIS để kiểm tra sửa chữa điện đài VRU812/S tại Phân xưởng 1, Xưởng sửa chữa Thông tin. Ảnh: BÌNH YÊN

Một lần chứng kiến các thầy cô dạy môn điện, điện tử hấp dẫn quá, Phạm Thanh Tùng bị “thôi miên” và thích luôn nghề này. Kể từ đó, anh say mê đọc tài liệu, sách giáo khoa, giáo trình dạy sửa chữa điện tử. Cuối năm 1992, Tùng có cơ duyên gặp chú Lê Mạnh Cường, khi đó là Giám đốc Xưởng sửa chữa Thông tin cùng một số cán bộ của đơn vị về huyện Thanh Miện để tuyển quân. Thấy Tùng say mê sửa chữa điện tử, chú Cường hỏi anh có muốn vào bộ đội để có điều kiện thỏa sức với nghề sửa chữa điện tử. Và tháng 2-1993, Tùng chính thức nhập ngũ, trở thành lính xe tăng ở Xưởng sửa chữa Thông tin.

Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, tháng 5-1993, chiến sĩ Phạm Thanh Tùng được đơn vị lựa chọn cử đi đào tạo thợ sơ cấp sửa chữa thông tin tại Xưởng sửa chữa Thông tin, Bộ Tham mưu, Binh chủng TTG. Với kết quả học tập loại giỏi, Phạm Thanh Tùng được Thủ trưởng Bộ Tham mưu, Binh chủng TTG giữ lại công tác tại Xưởng sửa chữa Thông tin.

Tiếp đó, từ tháng 6-1995 đến tháng 7-1998, Phạm Thanh Tùng thi đỗ Trường Trung cấp Kỹ thuật Thông tin (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Thông tin), Binh chủng Thông tin liên lạc. Suốt quá trình học tập ở đây, ngoài thời gian lên lớp, những giờ nghỉ, ngày nghỉ, anh đều tranh thủ lên thư viện của nhà trường để nghiên cứu và mượn tài liệu chuyên ngành thông tin về tự học. Với kết quả loại giỏi, tháng 7-1998, anh được cấp trên điều động về Đại đội 21, Lữ đoàn Xe tăng 201, Binh chủng TTG. Đây là thời gian quý báu để Phạm Thanh Tùng có điều kiện tiếp xúc trực tiếp, làm việc trên các trang thiết bị thông tin trên xe TTG.

Tháng 2-2000, Phạm Thanh Tùng được cấp trên điều động về Phân xưởng 1, Xưởng sửa chữa Thông tin. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, với tinh thần ham học, sau một thời gian miệt mài ôn thi, tháng 3-2003, Phạm Thanh Tùng đã trúng tuyển chuyên ngành Điện tử viễn thông, khóa 21 (Học viện Kỹ thuật Quân sự). Tháng 3-2007, tốt nghiệp loại Khá, Phạm Thanh Tùng được điều về công tác tại đơn vị cũ. Và cũng từ đây, anh thỏa sức tìm hiểu, nghiên cứu và tham gia sửa chữa thông tin TTG….

Sáng kiến ra đời từ bất cập

Nói về sáng kiến đầu tay sau khi tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tá Phạm Thanh Tùng vẫn tràn ngập cảm xúc. Anh kể: “Ngày ấy, các đơn vị toàn quân mới trang bị hệ thống Điện đài P-173 trên xe TTG thay thế Điện đài P-113 và P-123, PRC524 đã lỗi thời, lạc hậu. Tuy nhiên, Điện đài P-173 giá thành cao, không có tài liệu để nghiên cứu, bảo hành năm đầu đều do chuyên gia kỹ thuật Nga đảm nhiệm. Trên cương vị là cán bộ của Phân xưởng 1, tôi thấy thường hỏng Khối 13 ở Điện đài P-173, nảy sinh nhiều bất cập như: Mất nhiều diện tích do triển khai đồng bộ các trang bị; yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề bậc thợ cao; mất nhiều thời gian; kết quả thiếu chính xác… Để khắc phục tình trạng trên, từ tháng 3 đến tháng 6-2008, tôi đã triển khai, nghiên cứu sáng kiến “STEN K13-173” (sửa chữa Khối 13, Điện đài P-173)”. 

leftcenterrightdel

Trung tá Phạm Thanh Tùng trong một lần hướng dẫn sử dụng xe chỉ huy thông tin xe tăng thiết giáp. Ảnh: BÌNH YÊN

Sáng kiến thành công đã giúp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên thuận tiện trong quá trình sửa chữa tại đơn vị cũng như sửa chữa cơ động; không cần phải có đồng bộ hệ thống Điện đài P-173 nhưng vẫn kiểm tra, điều chỉnh Khối 13 về đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Sáng kiến áp dụng đã tiết kiệm được 80% thời gian kiểm tra, phân loại và 50% thời gian sửa chữa, đồng thời hằng năm tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho đơn vị. Sáng kiến này đã giành giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Binh chủng TTG năm 2010 và giải khuyến khích Hội thi Mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật do Bộ Quốc phòng tổ chức năm 2010.

Trên cơ sở sáng kiến “STEN K13-173”, đầu tháng 3-2011, Thượng úy Phạm Thanh Tùng, Phó quản đốc Kỹ thuật Phân xưởng 1 cho “ra lò” sáng kiến “STEN K10-173” (sửa chữa Khối 10, Điện đài P-173). Ưu việt của sáng kiến này là kiểm tra được mọi chế độ công suất lớn, nhỏ, đồng thời bảo đảm đầy đủ các chỉ tiêu về kỹ thuật với độ chính xác cao; khoanh vùng hư hỏng nhanh, phán đoán điểm hỏng chính xác, rút ngắn thời gian cho nhân viên sửa chữa.

Sản phẩm được cấp trên chứng nhận, nhân rộng hàng loạt để áp dụng cho các đơn vị TTG toàn quân, các trạm sửa chữa thông tin TTG cơ động - nơi được trang bị và có chức năng sửa chữa vừa và nhỏ Điện đài P-173. “Kể từ khi tôi cho ra đời một số sáng kiến “STEN K10-173”, “STEN K13-173”, “STEN K12-173” đơn vị đã chủ động tự sửa chữa các khối Điện đài P-173, không phụ thuộc vào chuyên gia Nga…”, Trung tá Phạm Thanh Tùng nhớ lại.

Người luôn say mê với công tác chuyên môn

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong chỉ huy, quản lý, nhất là trực tiếp sửa chữa và cho ra đời nhiều sáng kiến, giai đoạn năm 2013-2015, Phạm Thanh Tùng được cấp trên tín nhiệm điều động tăng cường làm việc với Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) để nghiên cứu, khai thác thử nghiệm hệ thống Điện đài VRU 812/S và hệ thống thông thoại VIS để thay thế đồng loạt các loại điện đài đã cũ không còn phù hợp. Sản phẩm mới đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm bí mật thông tin; làm chủ được trang bị, sản xuất được trong nước, không phụ thuộc vào nước ngoài; đáp ứng được mọi yêu cầu thông tin hiện đại.

Bên cạnh việc cho "ra lò" nhiều sáng kiến, Phạm Thanh Tùng còn là chủ nhân của nhiều mô hình, trang thiết bị huấn luyện được cấp trên đánh giá cao. “Tháng 3-2016, tôi được cấp trên bổ nhiệm Quản đốc Phân xưởng 1. Quá trình chỉ huy, quản lý đơn vị, tôi nhận thấy khó khăn nhất đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên sửa chữa Điện đài VRU 812/S là chưa có mô hình dạy trực quan nên mất nhiều thời gian trong quá trình sửa chữa. Từ tháng 3 đến tháng 5-2016, tôi đã nghiên cứu, hoàn thiện xong mô hình “Huấn luyện SĐK Điện đài VRU 812/S”.

Điểm mới của sản phẩm này là mô phỏng hoạt động Điện đài VRU 812/S bằng âm thanh, ánh sáng, mạch điều khiển nên rất thuận lợi cho nhân viên sửa chữa tay nghề thấp cũng có thể vận hành sửa chữa. Mô hình này đã giành giải nhất trong Hội thi Mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật Binh chủng TTG năm 2016”, Trung tá Phạm Thanh Tùng tự hào kể.

leftcenterrightdel
 Trung tá Phạm Thanh Tùng giao nhiệm vụ cho đội đi sửa chữa cơ động. Ảnh: BÌNH YÊN

Kể từ khi gắn bó với ngành thông tin TTG, Phạm Thanh Tùng đã có hàng trăm chuyến công tác cùng đồng nghiệp đi sửa chữa cơ động các đơn vị xe TTG toàn quân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ sửa chữa cơ động, theo Trung tá Phạm Thanh Tùng, trước khi lên đường, người phụ trách tổ công tác phải chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ từ những việc nhỏ nhất như vật chất, trang bị, con người; chủ động liên với đơn vị để phối hợp, hiệp đồng trong suốt quá trình sửa chữa cơ động. Điều trên hết là tinh thần nhiệt huyết, nhiệt tình, yêu ngành, yêu nghề. Sau mỗi chuyến công tác, anh đều ghi chép lại cụ thể, chi tiết những nội dung trong quá trình sửa chữa để rút kinh nghiệm, bổ sung cho những chuyến công tác tiếp theo…

Khi được hỏi về “cây sáng kiến” của đơn vị, Trung tá Ngô Minh Hải, Giám đốc Xưởng Sửa chữa thông tin chia sẻ: “Trung tá Phạm Thanh Tùng là cán bộ có trình độ chỉ huy, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ vững chắc, đồng thời là một trong những cán bộ, nhân viên có nhiều sáng kiến, mô hình, kinh nghiệm nhất của đơn vị. Ở cương vị nào, đồng chí Tùng cũng luôn gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm, say mê với công tác chuyên môn, hết sức hết lòng với công việc được giao. Với thành tích xuất sắc trong công tác, đồng chí Tùng có nhiều năm được bầu là Chiến sĩ thi đua cơ sở, xứng đáng là “cây sáng kiến” của Xưởng Sửa chữa thông tin nói riêng và trong Binh chủng TTG nói chung".

NGUYỄN KIÊN THÁI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.