"4 tự lực" để giảm chi phí đầu tư

Được thành lập với tên gọi Nhà máy MZ431, sau đó là Nhà máy V115 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nay là Nhà máy Z115, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động (NLĐ) của nhà máy liên tục kế thừa và phát huy truyền thống sửa chữa, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật của quân đội, bảo đảm cho các LLVT công tác và chiến đấu. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhà máy đã sản xuất, cung cấp cho chiến trường gần 10 triệu sản phẩm vũ khí. Từ chỗ ban đầu chỉ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa một số loại thuộc nhóm vũ khí cơ bản, đến nay, nhà máy đã phối hợp với các viện nghiên cứu sản xuất được nhiều loại vũ khí, nhất là các loại đạn hỏa lực mạnh có sức công phá, sát thương lớn trên chiến trường: Đạn cối, đạn OG-9, lựu đạn, mìn... Theo Thượng tá Hà Thành Trung, Phó giám đốc kỹ thuật Nhà máy Z115: Những năm gần đây, nhà máy đã nghiên cứu, chế thử, triển khai sản xuất thành công nhiều sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới đáp ứng yêu cầu tác chiến của quân đội. Đơn cử như các sản phẩm đạn cối mẫu mới được nhà máy phối hợp với Viện Vũ khí (Tổng cục CNQP) nghiên cứu. Sản phẩm sau nghiên cứu, cải tiến có tầm bắn xa và uy lực lớn hơn trước. Đặc biệt, để tiết kiệm chi phí, các sản phẩm đạn cối mẫu mới được nghiên cứu để đồng bộ với trang bị hiện tại của quân đội.

Lãnh đạo Nhà máy Z115 kiểm tra các sản phẩm.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy Nhà máy Z115 cho hay, phát huy bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận sản xuất, cán bộ, công nhân viên nhà máy đã tự lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số trang thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất trên tinh thần "4 tự lực" (tự trang bị, tự chế tạo, tự viết phần mềm, tự lắp đặt), giúp giảm chi phí đầu tư. “Trong quá trình đầu tư dây chuyền công nghệ mạ, đối tác nước ngoài chào bán chúng tôi với giá 1 triệu USD. Tuy nhiên, cán bộ, công nhân viên nhà máy đã tự nghiên cứu với chi phí chỉ 7 tỷ đồng, bằng 1/3 giá trị nếu mua của đối tác nước ngoài”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn đưa ra ví dụ về một trong những sáng kiến giúp làm lợi cho nhà máy. Được biết, trong giai đoạn 2015-2019, nhà máy đã thực hiện, hoàn thành xuất sắc 125 đề tài khoa học kỹ thuật, công nghệ; phát huy 1.418 sáng kiến, làm lợi 27,5 tỷ đồng.

Cùng với việc chủ động nghiên cứu những sản phẩm mang tính năng mới, nâng cao năng lực quốc phòng, nhà máy cũng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất. Có mặt tại khu vực dây chuyền in bao bì chứa thuốc nổ nhũ tương rời nằm trong phân xưởng cơ khí, chúng tôi thấy hàng dài máy móc hiện đại đang hoạt động. Bên dây chuyền máy móc, các công nhân hăng say lao động, bám máy sản xuất. Trung tá Lê Kiều Oanh, Quản đốc Phân xưởng Cơ khí cho biết, dây chuyền cũ đã được sử dụng trong 20 năm. Trước đây, NLĐ làm việc rất vất vả, công suất chỉ đạt 2.500-3.000 sản phẩm/ngày. Từ khi nhà máy đầu tư dây chuyền tự động vào năm 2019, mỗi ngày phân xưởng sản xuất được 3.500-4.000 sản phẩm. Theo đó, thu nhập của NLĐ cũng tăng 5-6 triệu đồng/tháng lên khoảng 9 triệu đồng/tháng. 

Nhờ đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cùng sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, nhân viên, trong nhiệm kỳ 2015-2020, nhà máy có sự tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn 2010-2015. Tổng doanh thu của nhà máy giai đoạn 2015-2019 đạt 4.612,580 tỷ đồng; riêng trong năm 2019 đạt 1.230,756 tỷ đồng (tăng 80,4% so với năm 2015). Đặc biệt, mức thu nhập bình quân của NLĐ đạt 11,4 triệu đồng/tháng (tăng 21,2% so với giai đoạn trước).    

Áp dụng "5S" để nâng cao hiệu quả lao động

Tại xưởng sản xuất hòm gỗ bảo quản đạn thuộc Phân xưởng gỗ của Nhà máy Z115, không khí lao động nhộn nhịp. Không gian sản xuất sạch sẽ, thông thoáng, thơm mùi gỗ. Sản phẩm sau mỗi công đoạn đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp trên sàn. Đây là kết quả bước đầu của quá trình áp dụng mô hình mới "5S" (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng)-một phương pháp được doanh nghiệp sử dụng nhằm tạo ra môi trường làm việc khoa học, gọn gàng và tiện lợi. Từ khi áp dụng 5S, năng suất lao động tại phân xưởng gỗ được cải thiện hơn nhiều, giảm bớt các khâu trung gian. Các sản phẩm được sắp xếp đúng chiều cao, đúng số lượng để dễ dàng kiểm đếm, vận chuyển. Đã có 13 năm làm việc tại đây, chị Nguyễn Thị Trang (33 tuổi) vừa thực hiện công đoạn ép đáy nắp hòm bảo quản đạn một cách thuần thục vừa chia sẻ: "Thời điểm chưa áp dụng "5S", không khí trong xưởng thường xuyên ngột ngạt, nóng bức. Trên các mái nhà phân xưởng gỗ, mùn cưa bám kín, NLĐ phải đeo khẩu trang để tránh bụi từ các máy sản xuất gỗ. Nay, điều kiện môi trường làm việc của NLĐ đã sạch sẽ, gọn gàng hơn, không có bụi. Việc áp dụng tốt mô hình này giúp công việc của chúng tôi bớt hao phí sức lực, thời gian nên ai cũng tự nhắc nhau nâng cao ý thức trong lao động sản xuất”. 

Những ngày này, vào bất cứ phân xưởng sản xuất nào của Nhà máy Z115 đều thấy những bảng lớn in các khẩu hiệu như: “Mọi cải tiến, dù nhỏ nhất, đều quý giá”, “Lãng phí tăng, thu nhập giảm”, “Thẳng thắn để thay đổi, trách nhiệm để tốt hơn”… Được biết, trên tinh thần phát huy sáng kiến NLĐ, nhà máy đã phát động cuộc thi tìm kiếm khẩu hiệu cho từng phân xưởng. Cuộc thi tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, công nhân viên để chọn ra những khẩu hiệu hay nhất, sát với thực tế, dựa trên vấn đề còn tồn tại trong hoạt động sản xuất. Những khẩu hiệu này trở thành “kim chỉ nam” cho từng phân xưởng khắc phục hạn chế để nâng cao năng suất, cải thiện môi trường lao động.

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, đây là những tiền đề để nhà máy tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất trong thời gian tới. Dù mới áp dụng "5S" vào các dây chuyền sản xuất từ tháng 3-2020, nhưng nhận thức của cán bộ, công nhân viên, NLĐ có sự chuyển biến tích cực. Mô hình quản lý mới đã cho thấy tính hiệu quả, tối ưu trong quản lý doanh nghiệp; đồng thời, tạo cho cán bộ, công nhân viên, NLĐ nhà máy có quy trình nghiêm ngặt trong sản xuất, sinh hoạt bài bản, chất lượng công việc đạt kết quả tốt hơn.

 Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ