Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu của Quân đội ta trong tình hình mới, khi vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự trên thế giới đã có những bước tiến vượt bậc, những người thợ quân giới Z131 lại cùng các cơ quan chức năng của Tổng cục CNQP nghiên cứu, chế tạo thành công đạn chống tăng xuyên giáp. Thành công này cho thấy sức sáng tạo tuyệt vời của những người thợ quân giới Z131.

Từ nỗi khiếp sợ của tăng-thiết giáp Mỹ, ngụy...

Năm 1954, sau thất bại của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, dần hất cẳng thực dân Pháp với dã tâm biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Mỹ huy động số lượng quân, vũ khí, khí tài lớn, với công nghệ hiện đại nhất lúc bấy giờ để tiến hành chiến tranh ở Việt Nam. Trong đó, Mỹ đã sử dụng tới 18 loại xe tăng, thiết giáp (TTG), có những loại tối tân nhất trong biên chế quân đội Mỹ bấy giờ. Trong giai đoạn cao trào của cuộc chiến 1968-1969, Mỹ đã huy động 24 tiểu đoàn thiết giáp, trong đó có 950 xe tăng, cho chiến trường Việt Nam, với mưu đồ dùng sức mạnh hỏa lực để chế áp, đè bẹp sức phản kháng của quân và dân ta.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Z131. Ảnh do đơn vị cung cấp.

Tình hình đó đặt ra yêu cầu cấp bách là nước ta phải chủ động được nguồn cung cấp vũ khí, đạn dược để hỗ trợ kịp thời cho tiền tuyến. Trong khi đó, cả miền Bắc chỉ có 3 nhà máy quân giới: Z1 sản xuất súng; Z2 sản xuất đạn, lựu đạn, mìn; X10 chế tạo cơ khí. Bởi vậy, ngày 12-5-1966, Chính phủ đã phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Công trình 6503 tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) với công suất thiết kế sản xuất 5 vạn lựu đạn chống tăng và 5 vạn đạn B40 mỗi năm. Sau hơn hai năm triển khai xây dựng, đầu năm 1968, Công trường 6503 đã được xây dựng xong, chuyển thành Nhà máy V131, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các nhà máy khác sản xuất lựu đạn ghép mảnh và chế thử đạn B40, B40XL. Chỉ sau vài tháng nghiên cứu, ngày 8-12-1968, V131 đã hoàn thành phần chế tạo cơ khí 600 quả đạn B40XL. Tuy nhiên, vì một số lý do, V131 buộc phải chuyển cơ sở về huyện Phổ Yên (Thái Nguyên). Sau thời gian di chuyển nhà máy, ngày 20-11-1969, những người lính thợ quân giới V131 đã nấu đổ mẻ thuốc đầu tiên cho sản phẩm đạn B40XL. Thành công đến với V131 từ lần đầu tiên nấu đổ thuốc ấy. Ngay trong chiều 20-11-1969, những quả đạn B40XL đầu tiên do Việt Nam sản xuất được đưa đi bắn thử. Kết quả, 5 quả đạn bắn thử đều nổ tốt và xuyên thủng đích thép dày 170mm. Sáng 21-11-1969, 10 quả đạn tiếp theo được đưa đi bắn thử để xác định độ chụm. Kết quả, cả 10 quả đều bắn trúng bia đạt yêu cầu về độ xuyên thép.

Kể từ thời điểm đó, đạn B40XL của những người lính thợ V131 sản xuất liên tục được vận chuyển chi viện cho tiền tuyến, hoàn toàn đồng bộ với súng B40 do Nhà máy V111 chế tạo thành công từ cuối năm 1968. Súng, đạn B40XL “made in Vietnam” khiến Mỹ, ngụy thiệt hại nặng nề trên chiến trường, trở thành nỗi khiếp sợ của lính TTG Mỹ, ngụy.

Cơ số đạn B40XL nói riêng và các sản phẩm quân khí nói chung do V131 sản xuất góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trên các mặt trận, đặc biệt là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

...đến khắc tinh của giáp phản ứng nổ hiện đại

Từ sau năm 1975 đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến đổi. Vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự trên thế giới ngày một hiện đại hơn. Những bài học lịch sử luôn nhắc nhở dân tộc ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng cho mọi tình huống. Cần phải làm chủ được những loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự hiện đại, cùng với đó, liên tục cải tiến để sẵn sàng cho yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hiểu rõ yêu cầu và nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, những người lính thợ quân giới Z131 luôn nêu cao tinh thần tự chủ, tự giác trong nghiên cứu phát triển các sản phẩm quân giới nói chung và đạn chống tăng nói riêng. Nhà máy đã lần lượt chế thử thành công và đưa vào sản xuất các loại đạn chống tăng thế hệ mới có độ phức tạp và yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Thanh Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31, cho biết: "Z131 là đơn vị truyền thống sản xuất đạn chống tăng xuyên lõm. Hiện nay, thế giới đã phát triển các loại xe tăng thế hệ mới có trang bị giáp phản ứng nổ. Bởi vậy, với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục CNQP, Z131 luôn cập nhật thông tin mới về các loại xe tăng hiện đại để nghiên cứu, cải tiến đạn chống tăng đáp ứng yêu cầu huấn luyện hằng năm của bộ đội và tác chiến trong trường hợp có bất kỳ thế lực nào muốn gây chiến với Việt Nam bằng các loại trang thiết bị quân sự hiện đại. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất đạn chống tăng xuyên giáp phản ứng nổ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Z131".

Phát triển, cải tiến một sản phẩm quốc phòng không bao giờ là dễ dàng. Phát triển đạn chống tăng xuyên giáp lại càng khó khăn hơn bội phần, bởi yêu cầu rất cao về kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, với bàn tay tài hoa, khối óc thông minh, đức tính cần cù và lòng dũng cảm, can trường, những người thợ quân giới Z131 ngày đêm nghiên cứu, chế thử, tìm kiếm những giải pháp tối ưu nhất. Kết quả, Z131 đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất loại đạn hiện đại, uy lực cao này.

Tuy nhiên, không hài lòng với những kết quả đạt được, Đại tá Hoàng Thanh Sơn nhấn mạnh: "Z131 vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất để nâng cao hơn nữa uy lực của đạn chống tăng xuyên giáp phòng, chống nổ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta".

Từ sản xuất đạn chống tăng B40XL huyền thoại đến đạn chống tăng xuyên giáp thế hệ mới là một hành trình liên tục, bền bỉ, đầy hiểm nguy, gian khó. Những người thợ quân giới Z131 không bao giờ lùi bước. Họ luôn phát huy cao độ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp nối truyền thống hào hùng của cha anh. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, TTG dù hiện đại đến đâu cũng không làm khó được những người thợ quân giới Việt Nam. Thăm Z131 trong những ngày này, chúng tôi càng thêm phấn khởi, tự hào, bởi sản phẩm vũ khí, đạn dược do Z131 sản xuất đã có rất nhiều chủng loại, với công nghệ ngày càng hiện đại. Với sự lớn mạnh của Z131 nói riêng và ngành CNQP Việt Nam nói chung, chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam ta có thể chủ động, dựa vào nội lực là chính để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

THÙY LÂM