Phóng viên (PV)Điều gì khiến ông vẫn luôn mải miết với các hành trình đi và đến dọc chiều dài đất nước như vậy?

Nhà báo Etcetera Trường Nguyễn: Là một nhà báo hoạt động báo chí ở Mỹ nên tôi hiểu thông tin chính xác, chân thực về Việt Nam đối với cộng đồng ở nước ngoài là rất cần thiết. Tôi và một số người bạn đã lập ra tuần báo “Viet Weekly” vào năm 2004 (nay không còn hoạt động) dành cho cộng đồng người Việt, với mong muốn đi tìm sự thật ở Việt Nam và truyền tải những thông tin chân thực, khách quan về tình hình trong nước. Năm 2006 tôi có dịp về nước để đưa tin sự kiện Hội nghị cấp cao APEC do Việt Nam lần đầu đăng cai. Những gì chứng kiến ở Việt Nam trong chuyến trở về đó khiến tôi thay đổi cả nhận thức lẫn tư duy về đất nước.

Chuyến đi đó thôi thúc tôi về Việt Nam trực tiếp trải nghiệm cuộc sống và ghi nhận những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng ở đây. Những năm sau đó, chúng tôi tiếp tục có nhiều chuyến đi về nước để tác nghiệp. Các chuyến đi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, sự khác biệt văn hóa vùng miền từ miền ngược đến miền xuôi mang lại cho tôi những trải nghiệm giá trị về Việt Nam. Những câu chuyện tôi chia sẻ trên Vietnam Today gắn liền với cuộc sống của người dân ở thành phố hay vùng cao. Đó là những hình ảnh chân thực, khách quan được ghi nhận mà không có định kiến nào cả.

PV: Trải nghiệm sau mỗi chuyến đi để lại những ấn tượng như thế nào đối với ông?

Nhà báo Etcetera Trường Nguyễn: Càng tìm hiểu sâu sát, tôi càng nhận thấy Việt Nam là một bức tranh sinh động muôn màu, đa dạng. Tôi có cách làm việc gần như trở thành nguyên tắc đó là không chỉ tới một lần, mà phải trở lại vài lần để ghi nhận những biến chuyển. Cuộc sống của người dân ở đây đó còn chưa hết khó khăn nhưng có thể thấy rõ là đang thay đổi tốt hơn trước nhiều. Những người dân mà tôi gặp, trao đổi và phỏng vấn, họ đều bày tỏ niềm tin vào cuộc sống sẽ ngày càng tốt hơn.

Nhiều nơi ở vùng cao đã “thay da đổi thịt” so với lần đầu tiên tôi tới. Đó là nhờ chính sách quan tâm hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số, không chỉ về đời sống, kinh tế mà cả phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng thôn, bản. Như ở Yên Bái, nơi tôi và gia đình đã quyết định sống và gắn bó, hệ thống đường sá được làm mới sạch đẹp, đời sống bà con được nâng lên nhờ các chính sách giáo dục, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo. Bà con nơi đây có ý thức về giá trị của môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đời sống văn hóa địa phương giàu bản sắc nên du lịch phát triển mạnh. Theo cái nhìn của tôi, vùng cao có rất nhiều thay đổi.

PV: Được biết mấy năm gần đây, ông thường có những chuyến đi tới một số nơi đặc biệt như các nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc, gặp những cựu tù cách mạng, nhân chứng lịch sử. Đây có phải là một mảng nội dung mới trên Vietnam Today không?

Nhà báo Etcetera Trường Nguyễn: Từ lâu tôi đã tự đi tìm lời giải cho những câu hỏi về Việt Nam của chính mình. Hy vọng công việc của một nhà báo với những gì mắt thấy tai nghe qua các video clip sẽ giúp nhiều người chưa từng trở về còn mang nặng định kiến cũng hiểu hơn về Việt Nam. Tới gặp nhân chứng lịch sử là các cựu tù cách mạng Côn Đảo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu chiến binh, lắng nghe nhiều câu chuyện xúc động về những gì họ đã trải qua ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, về lý tưởng cách mạng và sự hy sinh to lớn, cống hiến... tôi đã hiểu vì sao Việt Nam có nền hòa bình cùng tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên như bây giờ. Hòa bình bền vững ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp của các thế hệ đi trước, sự kết nối của dòng chảy lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Tất cả khiến tôi rất ngưỡng mộ.

PV: Vậy những gì ông làm được cộng đồng đón nhận và hiệu quả như thế nào?

Nhà báo Etcetera Trường Nguyễn: Tôi nghĩ những việc mình làm phần nào đáp ứng được nhu cầu của bà con, nhất là cộng đồng ở Little Saigon, nơi còn nhiều khác biệt về chính kiến. Nhiều người xem những video clip tôi làm về sự kiện chính trị, văn hóa trong nước, nhất là các chuyến đi tới Trường Sa hay vùng miền của Việt Nam, đã bày tỏ rất ngạc nhiên vì phải sống một thời gian dài trong sự mơ hồ họ mới được thấy những sự thật sinh động như vậy, từ đó có cái nhìn khác về Việt Nam. Từ chỗ ngạc nhiên họ đã quay trở về và thấy những thay đổi có sức thuyết phục.

Có những người 30, 40 năm chưa về Việt Nam lần nào. Khi tôi dẫn họ đi thăm Việt Nam, phần lớn họ đều tiếc vì đã không có cái nhìn thực tế về tình hình trong nước, chỉ thông qua luồng thông tin một chiều, không có thiện chí về Việt Nam nên không hiểu đúng về các vấn đề trong nước, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền. Không ít người đến nay vẫn còn tâm lý e dè khi về Việt Nam vì lo ngại các vấn đề như cơ chế, thủ tục hành chính, việc đi lại... Với trải nghiệm của mình và nhiều người, có thể thấy những điều đó là không đúng với thực tế ngày hôm nay. Họ nói với tôi rằng họ tiếc không trở về sớm hơn vì đã mất thời gian dài bỏ phí tình cảm với quê hương, đất nước.

leftcenterrightdel
Nhà báo Etcetera Trường Nguyễn ký họa chân dung các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

PV: Đây quả là những điều đáng khích lệ trong nỗ lực hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước. Được biết, ngay từ đầu khi trở về Việt Nam tác nghiệp, ông đã rất quan tâm tới vấn đề này?

Nhà báo Etcetera Trường Nguyễn: Năm 2007, tôi và đồng nghiệp đã phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về vấn đề này. Khi đó bài phỏng vấn đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người Việt ở nước ngoài vì đã đề cập tới các vấn đề như hòa hợp, hòa giải dân tộc, khả năng tham gia xây dựng đất nước của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các nội dung liên quan. 

Tôi rất vui vì cũng từ công việc của mình, tôi đã kết nối được với một số bà con hỗ trợ đóng góp ủng hộ đồng bào trong nước bị thiên tai, bão lũ, nhất là đợt dịch Covid-19 vừa qua. Một điều ai cũng thấy rõ đó là sự chia sẻ khó khăn với người dân trong nước, chung tay đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương của bà con người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước ngày càng nhiều hơn.

Trường Sa đã trở thành một điểm hẹn thiêng liêng đối với tình yêu Tổ quốc của bà con kiều bào kể từ chuyến thăm Trường Sa đầu tiên năm 2012 theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Từ đó, những chuyến thăm như vậy gần như được tổ chức thường niên đã thu hút sự tham gia của nhiều bà con. Bên cạnh đó là các hoạt động hỗ trợ, chia sẻ tích cực đối với sự nghiệp gìn giữ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Được biết ông vừa trở về từ chuyến thăm quần đảo Trường Sa cùng với đông đảo bà con kiều bào. Ông cảm nhận như thế nào về những điều đó?

Nhà báo Etcetera Trường Nguyễn: Đây là chuyến thăm Trường Sa lần thứ 6 của tôi theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Hình ảnh những chiến sĩ kiên cường bám trụ làm nhiệm vụ giữ gìn biển, đảo với ánh mắt tôi cảm nhận như có lửa khiến chúng tôi thực sự xúc động. Những phóng sự, video clip của tôi và các đồng nghiệp ghi nhận về cuộc sống và công việc của quân dân trên đảo Trường Sa đã truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về sức sống ở nơi này cũng như ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam.

Tôi mong muốn sẽ có nhiều bà con trở về và có dịp hãy ra Trường Sa để thêm yêu Tổ quốc Việt Nam. Mỗi kiều bào hãy là một đại sứ lan tỏa những hình ảnh chân thực và sống động nhất về quê hương mình!

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MỸ HẠNH (thực hiện)