QĐND - Dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, đó là chân lý ngàn đời nay. Lòng yêu nước là động lực thôi thúc mỗi người phấn đấu vươn lên xứng là dân của nước, xứng với tổ tiên và hậu thế. Nước sẽ mạnh, vượt qua tất thảy mọi khó khăn, nếu nhân dân yêu nước hết lòng và được tổ chức, đoàn kết hướng lòng yêu nước vào những công việc lớn, nhỏ.

Lòng yêu nước được "di truyền" trong máu người Việt. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, không phân biệt già trẻ, gái trai, đều chung sức, chung lòng giữ nước. Mỗi khi bờ cõi có ngoại bang lăm le, mỗi người dân nghe tin đã thấy nghèn nghẹn trong lòng. Lịch sử mấy nghìn năm dân tộc ta là vậy.

Yêu nước bằng trái tim là đã quý lắm rồi, nhưng lại cần yêu nước bằng cả sự hiểu biết, tỉnh táo, thông tuệ của khối óc mới bảo đảm giữ yên được nước. Một trong những "kênh" để bồi bổ khối óc thông tuệ, yêu nước trên cơ sở hiểu rõ đất nước từ quá khứ, đến hiện tại, tương lai, là việc hiểu rõ lịch sử, mà với học sinh, thanh thiếu niên thì không gì hơn việc học sử. Khi ngồi trên ghế nhà trường, việc học sử, yêu sử là cần thiết, là tiền đề cho những bước trưởng thành vững chắc của mỗi người.

Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn.

Nhưng việc học và thi môn Lịch sử hiện nay vẫn gờn gợn những điều chưa thể nói là tin cậy, an tâm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, dư luận chung vẫn lo lắng về số lượng học sinh tự chọn môn thi Lịch sử có nơi quá ít. Điều này tiếp tục thể hiện sự thiếu hấp dẫn ở môn học này. Có lý do ở định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh nhưng rõ ràng cũng có lý do ở chương trình học và phương pháp giảng dạy khô cứng khiến các em khó tiếp thu, khó nhớ và không thích thú sinh ra ngại học, sợ học. Tất nhiên, việc cải cách chương trình và phương pháp dạy sử không thể là chuyện dễ dàng, nhanh chóng nhưng sự việc ít học sinh chọn thi môn Lịch sử càng bộc lộ sự cấp thiết, khẩn trương trong tổ chức cải cách dạy và học sử.

“Dân ta phải biết sử ta”-đó là câu nằm lòng của các thế hệ người Việt Nam lâu nay. Lịch sử gắn bó trực tiếp đến việc bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào, tự tin của mỗi con người. Lòng yêu nước và lịch sử được truyền dạy qua tri thức, truyền thống mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, được bồi tụ thường xuyên bằng thông tin, bằng thái độ, hành động của môi trường xã hội. Tuy nhiên, tri thức hệ thống về lịch sử chỉ có thể được dạy trong nhà trường, ở đó học sinh có thể hiểu được căn nguyên của vận nước thịnh suy, quy luật làm nên sức mạnh chiến thắng, thành công của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tri thức vững vàng về lịch sử góp phần quan trọng để xây dựng lòng yêu nước chính đáng, làm cơ sở cho lòng tin vào khả năng tự chủ, tự lực tự cường của dân tộc và lòng tin, trách nhiệm từ mỗi con người.

Đã có nhiều diễn đàn lo lắng về việc dạy, học và thi môn Lịch sử. Bản thân môn học không có lỗi, các em cũng không có lỗi. Nhà trường, thầy cô, ngành giáo dục và cả xã hội, cần lo lắng, tìm ra lời giải cho bài toán học và thi môn Lịch sử hiện nay.

ANH NGUYỄN