Luật Trẻ em 2016 bao gồm những quy định cụ thể, chi tiết về quyền, bổn phận của trẻ em và một khung pháp lý bao quát nhằm bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị tổn thương, xâm hại…được dư luận cùng giới chuyên gia đánh giá cao vì đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội, tiệm cận với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là một thành viên.
Một điểm dễ nhận thấy là, hiện nay một số ông bố, bà mẹ thể hiện tình yêu thương với con nên thường có thói quen khoe con trên mạng xã hội. Thậm chí, để câu “view”, kiếm “like”, có phụ huynh không ngần ngại “úp” đủ thể loại thông tin về con mình lên mạng xã hội như: Ảnh, video, tên, tuổi, chiều cao, cân nặng đến các đặc điểm nhận dạng, tính cách, thành tích học tập… Chiếu theo Luật Trẻ em 2016 vừa mới có hiệu lực thì họ đã vi phạm Điều 21 về Quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em và Điều 54 về Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Biện minh cho hành động của mình, có những ông bố, bà mẹ lại cho rằng họ có “quyền” đối với con của họ; và rằng việc họ đăng các thông tin về con cái trên trang mạng xã hội “chẳng ảnh hưởng tới ai”, vì thế “không thể coi đó là hành vi vi phạm pháp luật”…
Tuy nhiên, những “lý lẽ” đó, các bậc phụ huynh đã thể hiện sự ngộ nhận, thiếu hiểu biết về luật pháp. Trên khía cạnh pháp lý, trẻ em, ngoài quan hệ là con trong gia đình, còn là thành viên của xã hội, nên phải được hưởng các quyền cơ bản và được đối xử bình đẳng như các thành viên khác. Trong xã hội văn minh, trẻ em được luật pháp đặc biệt quan tâm, bảo vệ vì trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trở lại câu chuyện một số phụ huynh “vô tư” công khai các thông tin về con mình lên mạng xã hội, có thể thấy họ đã lầm tưởng với suy nghĩ con cái là “sở hữu” riêng của bố mẹ, mà quên rằng trẻ em luôn được sự bảo vệ của luật pháp. Thực tế, nhiều nước ở châu Âu như: Pháp, Áo, Bỉ…từ lâu đã áp dụng những điều luật tương tự như Điều 21 và 54 trong Luật Trẻ em 2016 nhằm bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em và tránh nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại bởi các tội phạm trên mạng xã hội.
Luật Trẻ em nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ. (Ảnh minh họa)
Xét về góc độ tâm lí, việc khoe con lên mạng xã hội cho dù có sự đồng ý của đứa trẻ, thì cũng vô tình gây áp lực, buộc chúng phải “sống” theo “khuôn mẫu” do cha mẹ tạo ra. Trong trường hợp bố mẹ tự ý đăng các thông tin của con cái lên mạng thì sẽ còn nguy hiểm hơn. Những đứa trẻ đó sẽ bị sốc về mặt tâm lý khi biết rằng tất cả những gì được coi là riêng tư của chúng đã bị bố mẹ phơi bày trên thế giới ảo. Mặt khác, hiện nay các loại tội phạm trên không gian mạng đang phát triển rất mạnh cả về loại hình, tính chất và mức độ. Từ lâu các chuyên gia đã khuyến cáo, việc các bậc cha mẹ đăng tải thông tin về con cái trên mạng xã hội có thể vô tình tiếp tay cho tội phạm và rất có thể sẽ gây hại cho con mình vào thời điểm nào đó trong tương lai.
Thiết nghĩ, việc chia sẻ về cách nuôi dạy, những khoảnh khắc đẹp, thành tích học tập…của con cái là nhu cầu đáng trân trọng của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, việc bày tỏ tình yêu với con trẻ như thế nào cho đúng cách, đúng pháp luật là điều mà các bậc cha mẹ cần phải nghiên cứu và suy ngẫm…
BẮC HOÀNG