Tham nhũng nảy sinh, tồn tại và hoành hành do sự hư hỏng, biến chất không chỉ của những người có chức quyền, mà còn của cả những người được giao thực hiện những công vụ bình thường đã làm biến dạng quyền hạn và công vụ được giao phó. Nói cách khác, quyền hạn hay công vụ trao cho họ đáng lý ra phải được thực hiện vì lợi ích chung của cả xã hội thì lại bị lạm dụng vào mục đích trục lợi cho riêng cá nhân.
Tại nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, các đại biểu đều thống nhất khẳng định: Nơi nào hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, các quy trình ra quyết định và hoạch định chính sách còn thiếu minh bạch, thủ tục hành chính còn rườm rà, lương công chức còn thấp,… thì ở đó tình trạng tham nhũng có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Ở nước ta, trong nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã rất thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); chỉ rõ những nguy cơ, tác hại, hậu quả khôn lường của tình trạng tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là: Vì sao tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp?
Nhìn vào thực tế, có rất nhiều nguyên nhân để lý giải về tình trạng tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Có nguyên nhân do sự sơ hở của tổ chức bộ máy, do sự thiếu đồng bộ và đầy đủ, thậm chí còn nhiều “kẽ hở” của hệ thống chính sách, pháp luật. Có nguyên nhân thuộc về công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu chặt chẽ, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Có nguyên nhân do đấu tranh và xử lý những hành vi tham nhũng chưa kịp thời, chưa thường xuyên, chưa nghiêm, còn tình trạng nể nang, né tránh, sợ “rút dây động rừng”...
Những nguyên nhân nêu trên, cùng với thời gian và qua thực tiễn lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã nhận diện rõ, đồng thời từng bước xác định đầy đủ, đồng bộ các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN. Trong nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta luôn thể hiện rõ quan điểm, chủ trương và quyết tâm chính trị nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, PCTN là một cuộc đấu tranh cam go; một cuộc đấu tranh chính trong nội tâm của từng cán bộ, đảng viên, nên không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Từ những phân tích, đánh giá nêu trên cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác PCTN vấn đề đặt lên hàng đầu là cần sớm xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật hoàn chỉnh và thống nhất. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong điều kiện Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, mọi hoạt động của xã hội, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh PCTN đều phải dựa trên các quy định của pháp luật. Đây là vấn đề không mới, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để mọi người, mọi thành phần trong xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Cùng với vấn đề nêu trên, căn cứ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, từng cơ quan có liên quan cần đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử một cách nghiêm minh, kịp thời mọi trường hợp tham nhũng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN năm 2017. Theo đó, Ban Chỉ đạo thống nhất tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án mà dư luận đặc biệt quan tâm; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm toán, xử lý các dự án đầu tư lớn thua lỗ kéo dài, không hoạt động được và khẩn trương điều tra khi có dấu hiệu tội phạm.
Truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh không chỉ loại bỏ được những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, mà còn có tác dụng lớn hơn, ý nghĩa hơn là răn đe, phòng ngừa tham nhũng. Nhìn rộng ra nhiều nước trên thế giới đều coi tham nhũng là tội phạm hình sự và quy định chế tài nghiêm khắc để xử lý loại tội phạm này, nhằm làm cho công chức "không dám tham nhũng". Như vậy, để cuộc đấu tranh PCTN đạt hiệu quả, không chỉ phụ thuộc vào các biện pháp giáo dục, kêu gọi chung chung, mà rất cần những hành động cụ thể dựa trên nền tảng hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ.
LÊ LONG KHÁNH