Đây cũng là yêu cầu được lãnh đạo Chính phủ nhắc đến nhiều lần trong thời gian qua nhằm khắc phục tình trạng đình trệ, lơ là, "nước đến chân mới nhảy", làm lỡ nhịp khi cơ hội đến.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, đặt nền móng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Nhiệm vụ đặt ra nặng nề, vì vậy, càng phải tranh thủ thời gian đẩy nhanh tiến độ công việc, những gì có thể làm được hôm nay không nên để đến ngày mai. Đồng thời, cần thay đổi thái độ thờ ơ, lãnh đạm trước những vấn đề bức xúc đang đặt ra, thúc đẩy để công việc được tiến hành thuận lợi, sớm đạt kết quả. Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, các bộ trưởng, tư lệnh ngành không được im lặng với các đề nghị của địa phương, cần thường xuyên trao đổi trực tiếp để xử lý vấn đề phát sinh, giải quyết những vướng mắc đặt ra trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Dệt may Việt Nam.Ảnh minh họa: TTXVN.

Một thực tế vẫn thường xuyên được nói đến thời gian qua đó là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Việc thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của mình nhưng chây ỳ không giải quyết. Văn bản, công văn, giấy tờ gửi qua, gửi lại nhưng không đi đúng vào trọng tâm, chỉ làm mất thêm thời gian, công sức, bỏ qua thời cơ. Đó có thể xem là biểu hiện của tình trạng quan liêu cần phải được loại bỏ. Khi cán bộ, công chức, viên chức chưa biết sốt ruột với công việc của mình thì chưa thể đạt được hiệu quả cao. "Dĩ hòa vi quý", nể nang, hay tâm lý "hòa cả làng" trong đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ phần nào dung túng cho những trường hợp đi làm nhưng chỉ "đánh trống ghi tên". Để công việc được hanh thông, trôi chảy, cần giao đúng người, đúng việc và xây dựng được bộ công cụ đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chỉ số KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) làm công cụ để đo lường, đánh giá hiệu quả thông qua số liệu, tỷ lệ, chỉ tiêu định lượng rất cụ thể. Công cụ này không chỉ áp dụng cho cá nhân mà còn cho cơ quan, tổ chức. Việc sử dụng KPI trong cơ quan quản lý nhà nước là giải pháp cần được xem xét. Mỗi cá nhân sẽ có chỉ số cụ thể để nhìn thấy rõ mức độ hoàn thành công việc của mình. Đây cũng là cơ sở để nhìn nhận được những nút thắt khiến quy trình đình trệ, từ đó, nhanh chóng tháo gỡ, khơi thông. Bên cạnh đó, đánh giá, bình xét cũng là công cụ quan trọng để khơi dậy tinh thần làm việc, động lực cống hiến của người lao động, giúp họ phát huy tối đa khả năng chuyên môn, nghiệp vụ, đóng góp cho công việc chung.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cũng là giải pháp quan trọng thúc đẩy công việc. Đơn cử như việc Văn phòng Chính phủ tiên phong trong việc điện tử hóa công tác quản lý, tiếp nhận, xử lý và ban hành văn bản hành chính, thực hiện cách mạng không giấy tờ. Hệ thống này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý văn bản mà còn biết được ai đang thực hiện, ở mức độ nào, thời gian hoàn thành. Nhìn rộng hơn là công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đang được triển khai quyết liệt trên cả nước. Song hành với việc thực hiện hiệu quả công tác này là quá trình thay đổi phương thức làm việc, để không còn chỗ cho những người lề mề, ỷ lại, thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc. Năng suất, hiệu quả của từng cá nhân chính là động lực nòng cốt của cả tập thể, giúp mỗi kế hoạch đề ra đều được hiện thực hóa.

ĐỖ MẠNH HƯNG