Còn nói đến nông nghiệp thường hay nghĩ tới sự kém phát triển, sự lạc hậu, nhỏ bé, nghèo nàn. Một địa phương có tỷ trọng nông nghiệp cao thường là nỗi buồn, là mối lo và lãnh đạo địa phương luôn tìm cách để tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Thế nhưng, tại hội nghị nói trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rằng: Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ diễn ra rất quyết liệt trên toàn cầu thì Việt Nam có 3 thế mạnh rất quan trọng: Một là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; hai là công nghệ thông tin; ba là du lịch.

Như thế, ngành nông nghiệp được lãnh đạo Đảng và Nhà nước xác định là một thế mạnh phát triển của nước ta. Định hướng này dựa trên cơ sở nền tảng từ việc nước ta nằm ở vùng Đông Nam Á với nền “văn minh lúa nước”, 70% dân số của nước ta vẫn sống ở nông thôn. Thế nhưng, cách thức sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn tới, chắc chắn sẽ phải khác hiện nay, phải được nâng tầm trở thành một ngành “công nghiệp nông nghiệp”.

Bản chất của công nghiệp là hoạt động kinh tế quy mô lớn, sản phẩm tạo ra (có thể là phi vật thể) trở thành hàng hóa. Vì thế, bất cứ ngành kinh tế nào có thể tổ chức hoạt động sản xuất ở quy mô lớn và sản phẩm trở thành hàng hóa thì đều có thể coi là một ngành công nghiệp. Chính vì thế, bên cạnh các ngành công nghiệp truyền thống như: Dệt may, hóa chất, dầu khí... chúng ta đã biết tới các ngành công nghiệp mới như: Phần mềm máy tính, du lịch, giải trí... Nhìn dưới góc độ đó thì nông nghiệp cũng hoàn toàn có thể được tổ chức thành một ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp với năng suất và chất lượng cao, sản xuất theo nhu cầu và tín hiệu của thị trường. Trong khi đó, hiện nay, nền nông nghiệp của chúng ta vẫn là một nền nông nghiệp sản xuất chủ yếu theo hộ gia đình với các đặc điểm: Manh mún, nhỏ lẻ, thô sơ, tự phát. Chính hiện trạng sản xuất đó đã khiến năng suất nông nghiệp chưa cao, chất lượng còn thấp.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: baovanhoa.vn

Để xây dựng được nền sản xuất công nghiệp nông nghiệp theo hướng “sạch”, công nghệ cao thì rõ ràng cần phải có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp. Muốn vậy, cần phải hiểu được mối quan tâm của doanh nghiệp, để cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư thấy được những lợi ích mà họ có thể đạt được. Mối quan tâm đầu tiên đối với doanh nghiệp luôn là vấn đề thị trường. Hiện nay, nông sản sạch, nông sản an toàn là mối quan tâm lớn, là nhu cầu cấp thiết, sống còn tại Việt Nam, cũng như trên thế giới. Vì thế, thị trường cho nông sản sạch đang rộng mở. Ngay tại trong nước, nếu ngành nông nghiệp Việt Nam không sản xuất được nông sản sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân thì sản phẩm ngoại nhập sẽ tràn vào. Mối quan tâm thứ hai của doanh nghiệp là phải có diện tích đất đủ lớn để canh tác. Mối quan tâm thứ ba là vấn đề vốn.

Vấn đề đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn-vấn đề nan giải nhất, đã được nhắc tới lâu nay nhưng chưa tìm ra được cách làm thực sự hiệu quả. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” thời gian qua chưa đem lại kết quả như mong muốn. Trong thời gian tới, để tích tụ được ruộng đất, có lẽ vai trò của các hợp tác xã cần phải được đề cao hơn nữa. Ngay tại hội nghị nói trên, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất. Để giải quyết nhu cầu vốn, Chính phủ sẽ xem xét có một gói tín dụng khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, với sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Khi nhà đầu tư nhìn thấy thị trường, nhìn thấy những điều kiện thuận lợi thì vốn không phải là vấn đề khó.

Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp đang là một yêu cầu tất yếu của đất nước. Điều quan trọng là cần phải có sự chung sức, đồng lòng, tìm ra cách làm hiệu quả.

HỒ QUANG PHƯƠNG