Sau nhiều năm hội nhập quốc tế, kinh tế tăng trưởng nhanh, thu nhập, mức sống của người dân được nâng cao nên giờ đây sức mua của thị trường trong nước ngày càng lớn. Trong lúc sức mua ở nhiều thị trường giảm thì đáng mừng tại thị trường Việt Nam, sức mua vẫn tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11-2022 của thị trường Việt Nam ước đạt 514,1 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 21,47 tỷ USD), tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 216,34 tỷ USD), tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Như thế, thị trường trong nước đủ lớn để các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tạm tránh cơn bão khó khăn kinh tế trên thế giới hiện nay, mà còn phải giữ làm nền tảng chiến lược kinh doanh.

leftcenterrightdel
Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang tìm được chỗ đứng ở thị trường Thái Lan. Ảnh: Bộ Công Thương. 

Theo các nghiên cứu thì trong thập kỷ qua, Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ tăng nhóm người thuộc tầng lớp trung lưu-tầng lớp tiêu dùng-nhanh nhất thế giới. Cụ thể, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên tới 26% dân số vào năm 2026. Tổ chức World Data Lab xếp Việt Nam vào top 30 thị trường có tầng lớp tiêu dùng lớn nhất thế giới, đến năm 2030 tầng lớp này tại Việt Nam có thể đạt 56 triệu người. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam cũng đừng vội nghĩ thị trường trong nước là thị trường dễ tính. Vì khi thu nhập tăng, sức mua tăng thì đồng nghĩa với nhu cầu, đòi hỏi hàng hóa chất lượng cao của người Việt Nam cũng nâng lên tương ứng. Cùng với đó, thấy được sự hấp dẫn nên hầu hết các thương hiệu lớn của thế giới đã hiện diện tại thị trường Việt Nam, khiến mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không có chiến lược đúng đắn, nếu các bộ, ngành quản lý không có chính sách phù hợp thì chuyện doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà là hoàn toàn có thể xảy ra.

Doanh nghiệp Việt Nam có hai lợi thế lớn tại thị trường Việt Nam: Thứ nhất là sự thông hiểu thị trường, văn hóa, con người; thứ hai là sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Thế nhưng, hai lợi thế này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Vì thế, muốn khai thác tốt thị trường nội địa thì các doanh nghiệp Việt Nam phải thực sự coi trọng thị trường nội địa, quý trọng người tiêu dùng nội địa. Cùng với quảng bá Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải ưu tiên bán những hàng hóa tốt tại thị trường nội địa, phải bỏ tâm lý xuất khẩu hàng “xịn”, còn bán trong nước hàng kém chất lượng hơn.

Thị trường trong nước chính là một hậu phương vững chắc, là quê hương của doanh nghiệp Việt Nam. Bất cứ doanh nghiệp nào muốn tiến chắc ra thị trường thế giới thì trước tiên cần phải kinh doanh tốt ở thị trường trong nước. Dù đi năm châu, bốn bể, ăn đủ thứ sơn hào, hải vị, nhưng khi về ăn bát cơm quê, mỗi chúng ta vẫn rưng rưng, cảm nhận được vị dẻo thơm của từng hạt gạo. Thế nên phải luôn chăm chút cho quê hương, để quê hương luôn là tổ ấm, là nền tảng vững chắc đi ra thế giới, và sẽ luôn là chốn hấp dẫn, an toàn khi doanh nghiệp Việt Nam trở về.

HỒ QUANG PHƯƠNG