Nhưng cũng thật đáng buồn, khi gần đây, những chuyện ăn chặn, thậm chí biển thủ tiền, hàng từ thiện; chuyện lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi, lừa đảo, phạm tội, hoặc nhẹ hơn, chuyện cứu trợ, từ thiện không đúng đối tượng, không công bằng, không khoa học... tuy chưa phổ biến nhưng xảy ra không ít. Nếu không ngăn chặn điều này, một mai chẳng còn ai tin vào từ thiện nữa, xã hội sẽ trống vắng tình yêu thương đùm bọc, thật đáng sợ!
 |
Đoàn công tác Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế thăm và tặng quà cứu trợ một gia đình khó khăn. Ảnh: qdnd.vn |
Từ thiện là mang tiền của của mình đến cho người cần giúp đỡ. Nhưng đôi khi chúng ta thật sự không dám chắc đó có phải là những thứ người dân cần hay không? Muốn biết thì phải gặp gỡ, khảo sát, nắm bắt tư tưởng, tình cảm, nhu cầu của người dân. Nghĩa là phải dựa vào dân, dựa vào chính người dân mà mình đến làm từ thiện để làm từ thiện. Rồi việc chuyển tiền, hàng, công tác tổ chức phân phát, ai thiếu nhiều thì cho nhiều, thiếu ít cho ít, cùng hoàn cảnh thiên tai bão lũ như nhau nhưng người già yếu, bệnh tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa... thì phải được ưu tiên hơn, đó mới là công bằng, minh bạch. Nếu không dựa vào người dân nơi mình đến làm từ thiện, thì làm sao biết được những điều cụ thể, những trường hợp riêng lẻ đó?
Những nhà từ thiện, những người nổi tiếng làm từ thiện, ngoài việc tự giám sát bản thân và tổ chức của mình, cũng cần được giám sát trước hết bởi người dân, tổ chức đã quyên góp ủng hộ. Tiền từ thiện là thứ tiền “nhạy cảm”, cho nên các tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ tín dụng-nơi các cá nhân mở tài khoản để làm từ thiện-rất cần có bộ phận chuyên môn giám sát các dịch vụ tài chính liên quan đến nội dung từ thiện để tư vấn cho họ có phương án hợp lý. Hãy công khai toàn bộ quá trình, chi tiết làm từ thiện như nhiều cá nhân, tập thể vẫn làm.
Điều đáng nói ở đây nữa là chính quyền địa phương ở đâu trong hoạt động từ thiện, cứu trợ khẩn cấp? Thực tế là nơi nào mà cán bộ thôn, xóm, xã, phường công tâm, công bằng, không vụ lợi, thì không những được người dân mà còn được các nhà từ thiện tin tưởng, yêu mến. Còn ngược lại, không những bị người dân ta thán, phê bình mà các nhà từ thiện sẽ không tin chính quyền địa phương có đủ năng lực và công tâm, minh bạch, nên đã không ủy quyền.
Rốt cuộc, vẫn là vấn đề lòng tin!
Chính quyền tốt là chính quyền thực sự đại diện của người dân. Các nhà từ thiện nên dựa vào họ để làm từ thiện một cách hoan hỉ, yêu thương.
TRẦN HOÀI