So với các tổ chức chính trị-xã hội, như: Đoàn thanh niên, hội nông dân, công đoàn, hội phụ nữ, hội CCB tuy ra đời muộn hơn, nhưng 29 năm qua, kể từ khi thành lập (ngày 6-12-1989) đến nay, tổ chức của những CCB và cựu quân nhân đã trở thành điểm tựa vững vàng của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các tầng lớp nhân dân. Hình ảnh những người lính tóc bạc, trên ngực áo lấp lánh huân chương, huy chương không chỉ là một trong những biểu trưng đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà còn là một “tượng đài” về lý tưởng, lẽ sống, niềm tin, có ảnh hưởng tích cực đến người dân, nhất là thế hệ trẻ.
 |
Gian trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, do cựu chiến binh sản xuất, tại Đại hội Cựu chiến binh TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh: qdnd.vn. |
Được giáo dục, rèn luyện, bồi đắp cả về tư tưởng, ý chí, bản lĩnh, trách nhiệm, lý trí của người chiến sĩ cộng sản, với kinh nghiệm từng trải, tinh thần cầu thị của mình, CCB là một trong những hình mẫu lý tưởng về nhân cách cho tuổi trẻ học tập, noi theo. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định trong Điều lệ Hội CCB Việt Nam là: CCB tham gia giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ. Để làm tròn sứ mệnh này, bản thân mỗi CCB không chỉ cần chú trọng giữ gìn vẹn tròn hình ảnh “người hùng trong chiến đấu” từng làm “say lòng” biết bao thế hệ qua những trang sách, thước phim, bức ảnh, thơ ca, nhạc, họa... mà cần bền bỉ bảo toàn tấm gương nhân cách vô tư, trong sáng, chính trực của mình.
Sau khi rời môi trường quân ngũ, các CCB và cựu quân nhân trở về với cuộc sống đời thường. Khi trở lại sinh hoạt với cộng đồng nơi cư trú, các CCB, cựu quân nhân phải giải quyết nhiều mối quan hệ đa dạng hơn và cũng phức tạp hơn. Trong sự đan xen của các mối quan hệ đa chiều ấy, điều quan trọng là những người một thời khoác trên mình bộ quân phục cần giữ đúng vị thế, tư cách, phong thái điềm đạm, đàng hoàng của người lính Cụ Hồ; đồng thời ứng xử mực thước với cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và sống chan hòa với nhân dân. Vì đâu đó đã xuất hiện vài ba biểu hiện công thần, tự cao tự đại hay có biểu hiện góp ý, phê bình, đấu tranh thái quá của một số CCB. Điều này không chỉ làm tổn thương đến hình ảnh của những “người lính tóc bạc” nói chung, mà còn tác động không thuận đến việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ quân-dân-chính-đảng.
Người ta vẫn thường nói, xây dựng hình ảnh đã khó, giữ được hình ảnh lại càng khó hơn. Hình ảnh CCB Việt Nam là hội tụ, kết tinh những giá trị, chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ và những phẩm chất truyền thống cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Muốn hình ảnh của mình có sức hút, sức lan tỏa, sức hấp dẫn trong xã hội, mỗi CCB phải bằng sự gương mẫu của mình để truyền thụ kinh nghiệm, giáo dục con cháu, giáo dục thế hệ trẻ sống có lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Chính tấm gương nhân cách thủy chung, mẫu mực của CCB là một cách truyền cảm hứng về lối sống tích cực cho thế hệ trẻ và cho xã hội.
THIỆN VĂN