Cuốn sách in cũng đã lâu, mà mới chỉ in có một lần, chừng 1.000 bản, các thư viện công cộng, thư viện trường học nhập về làm tài liệu, số còn lại “mọt sách” mua hết. Anh bạn không thôi thắc mắc: Sách đoạt giải đã bán hết, in cũng vài năm rồi, sao lại không tái bản? Tôi giải thích: Sau đợt in lần đầu bán hết rồi liền sau đó được giải thưởng, cuốn sách đã bị in lậu tràn lan nên in lại lúc này thì nhà xuất bản chỉ có lỗ chỏng vó!

Ảnh minh họa / Vov.vn 

Nghịch lý ngành xuất bản là sách thật đang phải "né" sách lậu. Vốn dĩ một cuốn sách rất khó dự đoán khả năng kinh doanh. Nếu in số lượng lớn mà không bán chạy, dẫn đến thời gian thu hồi vốn chậm. In vừa phải, tiêu thụ nhanh sẽ an toàn hơn, nhưng nếu lỡ cuốn sách được độc giả yêu thích, đoạt giải thưởng uy tín thì việc in nối bản, tái bản không thể "đua" với in lậu.

Thiệt hại của đơn vị làm sách đã rõ, về phần tác giả thì lượng bản sách khiêm tốn, nhuận bút cũng chẳng đáng bao nhiêu. Chẳng mấy ai mặn mà viết sách vì không sống được bằng nghề, viết chỉ để... cho vui, kiếm sống phải bằng nghề khác.

Sở dĩ sách lậu ngày càng hoành hành bởi mối lợi quá lớn. Muốn ra một cuốn sách phải trải qua rất nhiều khâu như mua bản quyền, xin giấy phép, biên tập, chế bản... song với sách lậu thì chỉ mất tiền giấy và công in. Trong vụ sách giả của Công ty Phú Hưng Phát mới bị triệt phá, cơ quan chức năng tạm tính, với số lượng hơn 3 triệu cuốn sách, số tiền thu về khoảng 50 tỷ đồng.

Ngăn chặn vi phạm bản quyền hiện nay rất khó khăn. Với công nghệ in ấn hiện đại, đến tiền còn có thể làm giả thì mấy cuốn sách không có gì là khó. In lậu muốn có lãi phải in số lượng lớn, các đầu nậu thường tách mỗi công đoạn thực hiện ở một nơi khác nhau, kho hàng tuyệt đối bí mật. Bởi vậy, cơ quan chức năng rất khó phát hiện.

Rồi không ít vụ việc có sự tiếp tay, bảo kê của một số cán bộ thoái hóa, biến chất thì việc phát hiện sách lậu càng khó như mò kim đáy biển. Ngoài ra, người sử dụng chưa có ý thức tôn trọng bản quyền tác giả, biết là sách lậu nhưng vẫn mua vì giá rẻ. Đó là những lý do cơ bản để sách lậu có thể lũng đoạn thị trường xuất bản.

Có hai phương cách hạn chế vi phạm bản quyền ở nước ngoài mà chúng ta có thể nghiên cứu, áp dụng. Trước tiên phải xử phạt người sử dụng sách lậu. Chúng ta mới có các điều luật xử lý người sản xuất mà không xử lý người tiêu thụ. Luật pháp các nước quy định nếu cố tình sử dụng sản phẩm vi phạm bản quyền sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí khởi tố hình sự.

Rất khó để tuyên truyền suông nâng cao nhận thức, chỉ có pháp luật nghiêm minh mới thay đổi hành vi, nhận thức người sử dụng. Chúng ta đã thành công trong việc cấm sử dụng pháo, bắt buộc mọi người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông... Chống vi phạm bản quyền xuất bản cũng phải mạnh tay mới mong hiệu quả, người sử dụng sợ vi phạm sẽ nói không với sách lậu.

Những đường dây in lậu gần đây bị phát giác đó là do các nhà xuất bản, công ty sách tự theo dõi, báo với cơ quan chức năng. Có lẽ đã đến lúc, các đơn vị trong ngành xuất bản cần thành lập một tổ chức chuyên bảo vệ bản quyền giống như các nước đang thực hiện.

Tổ chức này được chính các đơn vị thành viên đóng góp kinh phí hoạt động, có lực lượng theo dõi in lậu thường xuyên. Đây là phương cách thứ hai mang lại hiệu quả lâu dài hơn, chuyên nghiệp hơn trong việc triệt “đường sống” của sách lậu.

Có ý kiến khuyên áp dụng giải pháp kỹ thuật như dán tem điện tử vào sách thật để người sử dụng quét mã nhận diện. Chưa bàn đến chuyện các đầu nậu có làm giả được hay không? Nhưng thử hỏi khi người sử dụng chẳng quan tâm đến chuyện sách thật hay sách giả mà chỉ quan tâm đến chuyện giá cả thì dán tem điện tử liệu có ích?

HÀM ĐAN