Điều đáng nói, cùng mặt hàng này, thậm chí chất lượng cao cấp hơn, nhưng giá trúng thầu ở các địa phương khác lại thấp hơn từ 2 đến 3 tỷ đồng. Vụ việc này chỉ bị phát giác khi một công ty khác phản ánh với chính quyền địa phương về quy trình đấu thầu của bệnh viện không bảo đảm tính công khai, minh bạch và cho rằng: Nếu chọn gói thầu nêu trên sẽ dẫn đến nguy cơ lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước. Việc vi phạm các quy định về đấu thầu không phải lần đầu xảy ra tại Gia Lai. Trước đó, tháng 4-2021, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm trong đấu thầu thuốc đối với 7 cán bộ ở Sở Y tế tỉnh Gia Lai cùng về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” từ năm 2008-2010".

Trụ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai.

Lường trước được vấn đề, Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản nhằm ngăn chặn tình trạng “trục lợi” từ việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và sử dụng ngân sách. Trong khi các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước có rất nhiều chế tài ràng buộc, nhưng vẫn xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản công. Vấn nạn này gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đơn thuần về kinh tế, mà còn làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước; suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền, tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị-xã hội của đất nước. 

Sau mỗi vụ việc, vấn đề liên quan đến sai phạm trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và sử dụng ngân sách được phát hiện, làm rõ để lại cho từng cơ quan, đơn vị nhiều bài học đắt giá. Cá nhân vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ đều bị xử lý nghiêm khắc, nhẹ thì phê bình, rút kinh nghiệm, nặng thì cách chức, miễn nhiệm hoặc truy tố hình sự theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, cùng với việc xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và những cá nhân có liên quan nếu để xảy ra sai phạm trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và sử dụng ngân sách, thì giải pháp căn bản để ngăn chặn triệt để tình trạng nêu trên là cần công khai, minh bạch hơn nữa chủ trương đầu tư, mua sắm, nhất là phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân, của cán bộ, nhân viên ở từng cơ quan, đơn vị. Không có bất kỳ tập thể, cá nhân nào tường minh hơn, toàn diện hơn bằng chính sức mạnh của quần chúng nhân dân. Mặt khác, suy đến cùng, tiền thuế, tài sản Nhà nước có được để phân phối, vận hành bộ máy chính là từ mồ hôi, công sức, thậm chí là xương máu của nhân dân. Vì vậy, nhân dân phải được quyền giám sát, được quyền quản lý tài sản của mình.

VŨ DUY HIỂN