Ấy nhưng, vào dịp này, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trong quân đội ở các đơn vị cơ sở, những người được mệnh danh là “thầy thứ hai” thì ít được xã hội chú ý, tôn vinh.

Quân đội là một môi trường đặc biệt. Để có những chiến sĩ hoàn thành được nhiệm vụ, trở thành những người làm công việc đặc biệt, họ phải được huấn luyện, giáo dục có khoa học, hệ thống trong điều kiện cường độ huấn luyện cao, môi trường kỷ luật đặc biệt nghiêm khắc. Để có con người với phẩm chất mang ý nghĩa cống hiến lớn lao, những thanh niên vào quân đội phải được hướng dẫn rèn luyện, học tập rất tỉ mỉ và hết sức công phu. Đơn cử như, muốn hình thành nếp sinh hoạt sử dụng thời gian chính xác, tác phong nhanh nhẹn, khẩn trương, hành động tỉ mỉ… mỗi chiến sĩ cần rèn luyện để từ bỏ thói quen tự do ngoài khuôn khổ đã ăn sâu vào tiềm thức. Do vậy, ngoài nỗ lực bản thân, những thanh niên đó còn được sự giúp đỡ tận tình của đội ngũ cán bộ các cấp mà trực tiếp nhất là từ trung đội trưởng trở lên. Đây là công việc vô cùng vất vả.

leftcenterrightdel
Học viên Trường Sĩ quan Chính trị hành quân ra bãi tập. Ảnh minh họa: qdnd.vn. 

Để hoàn thành trách nhiệm trên nền ý tưởng theo đuổi, “người thầy thứ hai’ trực tiếp viết giáo án huấn luyện, tổ chức lên lớp các nội dung, các khoa mục huấn luyện; họ trực tiếp làm mẫu, thị phạm và hướng dẫn chiến sĩ luyện tập, kiểm tra đánh giá kết quả của chiến sĩ... Điều đáng nói là, công việc huấn luyện của họ chủ yếu thực hiện ở thao trường, bãi tập, trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khác hoàn toàn với giảng bài trên giảng đường, trong phòng có máy chiếu, điều hòa nhiệt độ….

Để các chiến sĩ vững vàng chính trị, tâm lý, sức khỏe tốt, thuần thục các kỹ năng, kỹ xảo quân sự; thực sự đoàn kết, có ý thức tập thể, tính kỷ luật chặt chẽ, những người “thầy” ấy không những phải giỏi chuyên môn, có khả năng sư phạm quân sự tốt, hiểu tâm lý đối tượng mà quan trọng hơn là phải có lý tưởng, niềm tin, tận tụy, trách nhiệm, gương mẫu trong công việc, trong ứng xử. Hay nói một cách chính xác, họ là những người có đạo đức, phương pháp tác phong công tác chuẩn mực. Chính những yếu tố này đã giúp cho việc hình thành nhân cách quân nhân cách mạng ở mỗi chiến sĩ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đây là nền tảng quan trọng giúp mỗi người có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ khi tại ngũ; có nhân cách sống tốt đẹp sau khi trở lại xã hội. Bằng chứng là, sau thời gian tại ngũ, khi trở về địa phương, nhiều người đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được rèn luyện trong môi trường quân đội; phát triển, trưởng thành, là cán bộ lãnh đạo cao cấp của các địa phương.

Người Việt chúng ta thường nhắc nhau: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, rồi “Không thầy đố mày làm nên”… Thiết nghĩ, nghề nào ở xã hội cũng hàm chứa yếu tố giáo dục, trong đó học làm người, học để có đạo đức và cống hiến cho xã hội là biểu hiện của hoàn thiện trong đào tạo. Thế nên, những người “thầy thứ hai” ở các học viện, nhà trường, các đơn vị cơ sở trong quân đội đáng được tri ân và tôn vinh.

MẠNH THẮNG