Ở nước ngoài, “flex” được các rapper chèn vào âm nhạc để thể hiện độ giàu có của mình. Còn ở Việt Nam, “flex” không chỉ xuất hiện trong âm nhạc mà còn bùng nổ trên mạng xã hội, được người sử dụng khoe với các chủ đề khác nhau như: Sở thích đặc biệt, đạt thành tích cao, sở hữu món đồ độc, lạ, chơi với người nổi tiếng, ăn món ngon, đến nơi có cảnh đẹp... Nói chung, người đăng tải muốn khoe những thứ đặc biệt, khác lạ nhằm thể hiện bản thân, gây sự chú ý, tò mò đối với người khác.

Biết tự hào về những thứ mình làm ra hoặc đạt được thành tích là nhu cầu tự nhiên, chính đáng của con người. Chẳng hạn một người trẻ giành giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế hay đoạt huy chương trong thi đấu thể thao sau quá trình nỗ lực khổ luyện thì hoàn toàn có quyền tự hào về kết quả đó. Một thanh niên có nhiều việc làm thiện nguyện, mang đến niềm vui cho những người yếu thế trong xã hội cũng có thể lan truyền thông tin, hình ảnh tốt đẹp của mình đến mọi người. Hay một người sở hữu món đồ quý hiếm khi vui cũng có thể mang ra cho người khác chiêm ngưỡng. 

leftcenterrightdel

Nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" có 1,2 triệu thành viên. Ảnh minh họa: vtc.vn 

Thế nhưng, biết thể hiện tự hào chính đáng với việc khoe khoang thái quá là ranh giới rất mong manh. Người khoe nếu không biết tiết chế, lựa chọn cách thể hiện phù hợp thì dễ tạo sự phản cảm, gây khó chịu đối với mọi người. Từng có người muốn thể hiện đẳng cấp “sang chảnh” nên nhiệt tình khoe nhà lầu, biệt thự, xe sang, khối tài sản kếch xù, thậm chí khoe những sở thích khác người, khoe thân thể kệch cỡm... Văn hóa truyền thống của người Việt luôn đề cao sự khiêm tốn, giản dị, ý nhị, kín đáo. Những ai hay khoe mẽ, tự tin thái quá chỉ nhằm mục đích “đánh bóng” bản thân sẽ không được người đời tôn trọng. Ví như truyện cười dân gian Việt Nam "Lợn cưới-áo mới" nhằm chế giễu những kẻ có thói hay khoe khoang vô duyên khiến mình trở nên lố bịch trong mắt người khác.

Thời nay, mạng xã hội là không gian mênh mông mà bất cứ ai cũng có quyền thể hiện bản thân mình trên đó. Đối với người có văn hóa khiêm nhường, giàu lòng tự trọng, họ luôn giữ được giá trị bản thân trên “không gian ảo” nhưng vẫn đủ sức tạo dựng niềm tin, thuyết phục người khác bằng lối sống tao nhã, lịch thiệp và những đóng góp, cống hiến đích thực của mình trong đời sống thực. Vì họ thấm nhuần câu châm ngôn “Lúa chín cúi đầu, sông sâu tĩnh lặng” và thấm thía giá trị phẩm giá con người giống như viên đá quý, viên đá đó lấp lánh đẹp đẽ hơn khi được lồng vào cái giá khiêm tốn. Ngược lại, đối với những người thích khoe khoang, khuếch trương, họ có đủ thứ chiêu trò “độc, lạ”, “ít xuýt ra nhiều” cốt để thu hút sự tò mò, được nhiều người biết đến.

Châm ngôn có câu “Đừng thấy cái bóng to trên tường mà tưởng mình vĩ đại” nhằm hàm ý cảnh tỉnh, khuyên răn ai đó đừng có lầm tưởng, ảo tưởng về khả năng bản thân. Ranh giới giữa giá trị thật và giá trị ảo bị thổi phồng quá mức nếu trào lưu “flex” bị đẩy đi quá xa và không được tiết chế trong một bộ phận giới trẻ, từ đó có thể làm đảo lộn giá trị đạo đức, văn hóa xã hội. 

THƯỜNG LỢI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.