Đúc rút kinh nghiệm từ hàng trăm, hàng nghìn dự án nghệ thuật cộng đồng, giới chuyên môn cho rằng: Mẫu số chung của nghệ thuật cộng đồng được gọi là thành công khi đạt được đồng thuận của 3 bên: Nghệ sĩ-chính quyền-người dân. Trong đó, người dân là chủ thể bởi nghệ thuật cộng đồng sinh ra phải kết nối với giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, xã hội mà người dân cùng chia sẻ; người dân là đối tượng được thụ hưởng và có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm. 

leftcenterrightdel
Bức tranh về cảnh sinh hoạt của người dân vùng biển với việc chèo thuyền nan vượt sóng ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: VnExpress 

Trong việc ở làng Tam Thanh, chính quyền và họa sĩ đều có cái tâm trong sáng, mong muốn có thêm những bức tranh theo phong cách trừu tượng, biểu hiện, siêu thực để làm mới, đa dạng hơn không gian làng bích họa nổi tiếng, phục vụ du lịch cộng đồng. Sự nhiệt tình mang tính tiền phong là đáng hoan nghênh nhưng cách thức làm việc chưa khoa học, thiếu sự chuẩn bị cần thiết khiến giá trị nghệ thuật của tác phẩm thiếu tính lan tỏa, kết nối với cộng đồng. Lẽ ra trước khi thực hiện các bức vẽ, chính quyền nên tổ chức những cuộc họp, ở đó họa sĩ có cơ hội trình bày nội dung, ý nghĩa của tác phẩm, đồng thời tham khảo mong muốn của người dân. 

Trong truyền thống tiếp nhận của đa số người dân nước ta, chủ nghĩa hiện thực và phương pháp tả thực gắn liền với cái đẹp kín đáo, ý nhị vẫn là chủ đạo. Rõ ràng nếu không có chuyên môn, ham tìm hiểu, đại chúng sẽ thấy khó hiểu khi tiếp nhận những tác phẩm nghệ thuật hiện đại, cái đẹp phô bày và cầu kỳ trong cách biểu đạt của văn nghệ nước ngoài. Một khi khó hiểu thì khó thấy đẹp, đã không thấy đẹp thì không thích, tẩy chay là lẽ thường. Chính vì thế, khâu giải thích thủ pháp, hình tượng, ẩn ý nghệ thuật để người dân đồng cảm, chia sẻ và chấp nhận từ lạ thành quen nên được tiến hành trước khi sáng tạo.

Điều này không đồng nghĩa nghệ sĩ phải hoàn toàn nghe theo ý kiến của người dân, như vậy sẽ mất tính sáng tạo, thành ra “đẽo cày giữa đường”. Song, những đóng góp của người dân dù không hiểu sâu về nghệ thuật nhưng có thể là gợi ý tích cực giúp người nghệ sĩ có thêm cảm hứng trong lựa chọn chi tiết, hình ảnh, biểu tượng và thủ pháp thể hiện, để được người dân yêu thích, cảm thấy gần gũi, mang đậm màu sắc văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng ở địa phương. 

Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, không gian công cộng sẽ ngày càng có giá trị. Chắc chắn các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng sẽ ngày càng xuất hiện đa dạng phong cách, tích hợp nhiều nền văn hóa. Mặt tích cực là sẽ đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân, tạo điểm nhấn du lịch văn hóa... Nguy cơ hiện hữu là sự xung đột về phạm trù cái đẹp. Bởi luôn luôn có một độ chênh nhất định, nghệ sĩ không thể lấy cái tôi áp đặt lên cái ta cộng đồng, không thể lấy lý do vị nghệ thuật thay vì vị dân sinh khi sáng tác nghệ thuật cộng đồng. Kiên trì đối thoại với người dân trên tinh thần duy trì cảm hứng sáng tạo, chấp nhận điều chỉnh hợp lý để dân không còn thắc mắc về cái đẹp là con đường kiến tạo nghệ thuật cộng đồng đúng đắn.

HÀM ĐAN