Tròn 70 năm trước, khi nước Việt Nam mới vừa ra đời và đang phải đối mặt với biết bao thách thức từ nạn đói, nạn mù chữ và thù trong giặc ngoài, vận nước như treo trên sợi tóc, vậy nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng và Nhà nước ta đã đặt trọn niềm tin vào những công dân rất trẻ của mình. Thể lệ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên (tháng 1-1946) cùng Hiến pháp đầu tiên của nước nhà đã quy định công dân từ 18 tuổi trở lên có quyền được đi bầu cử các cơ quan quyền lực của đất nước. Cũng từ đó công dân từ 18 tuổi được coi là tuổi lao động, được tham gia quân đội, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế 70 năm qua, niềm tin gửi gắm vào những công dân trẻ đã được lớp lớp tuổi trẻ cả nước đáp lại bằng những nỗ lực lớn lao cống hiến và tận hiến sức lực, tài năng, mồ hôi, máu và sinh mệnh của mình để bảo vệ và xây dựng nên cơ đồ đất nước từ trong khói lửa chiến tranh. Tuổi mười tám đôi mươi, chiến tranh, nghèo đói, tăm tối đã qua nhưng phía trước là những tầng khó khăn, thách thức mới của sự nghiệp lớn đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hướng đến văn minh, thịnh vượng. Sự nghiệp ấy đòi hỏi và trông đợi rất nhiều ở tuổi trẻ nói chung và với cả những người rất trẻ, mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Cầm lá phiếu bầu cử trên tay là công việc có ý nghĩa sâu sắc của công dân trẻ, là nấc thang nâng bước tuổi trẻ trở thành người có trách nhiệm với xã hội, với đất nước, quê hương.
Ảnh minh họa: tienphong.vn.
Mười tám, đôi mươi, ấy là tuổi của năm học cuối cùng ở trường phổ thông và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề hoặc sung vào đội quân lao động. Tuổi còn rất trẻ nhưng không còn là tuổi ngây thơ, họ đã bắt đầu vươn ra khỏi sự bao bọc của gia đình để xác định và bắt đầu thực hiện những định hướng, ước mơ cuộc đời. Họ đã đủ nhận thức về lập thân, lập nghiệp và trách nhiệm xã hội. Thực hiện quyền bầu cử chính là thực hiện trách nhiệm chính trị-xã hội của công dân trẻ, đòi hỏi những người lần đầu tiên được tham gia bầu cử cần thực sự nghiêm túc trong tìm hiểu Luật Bầu cử, tìm hiểu, cân nhắc để chọn lựa những người xứng đáng đại diện cho đất nước và các cộng đồng xã hội.
Tất nhiên, lần đầu tiên tham gia bầu cử, những người trẻ không khỏi còn bỡ ngỡ nên các nhà trường, cơ quan, đơn vị, khu dân cư và các bậc cha mẹ, ông bà phải chủ động quan tâm đến từng cử tri mới, tạo điều kiện và hướng dẫn họ cụ thể, tỉ mỉ. Những cuộc họp phổ biến và thảo luận của cử tri ở cơ sở phải được tiến hành nghiêm túc, chu đáo để giúp các cử tri trẻ nắm vững quy định và cách thức bầu cử, chuẩn bị cho họ cả về tâm thế, thái độ và hiểu biết. Chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ là cách thức thể hiện sự quan tâm, tôn trọng quyền của cử tri trẻ, tôn trọng mà không áp đặt.
Tuổi mười tám, đôi mươi nhưng lớp trẻ hôm nay vẫn sôi dòng máu nóng cha ông vì nước vì dân. Chính họ cũng đã từng trải nghiệm và rèn luyện qua nhiều hoạt động của tuổi trẻ tình nguyện xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ các vùng quê khó khăn, các nhóm trẻ em mồ côi, tàn tật hay tham gia hiến máu nhân đạo, tìm hiểu và tham gia những sự kiện hướng tới việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, an ninh, an toàn xã hội… Nhà trường, gia đình, các tập thể cơ quan, đơn vị, các cộng đồng xã hội đã giúp đỡ, cưu mang, rèn luyện họ nên người. Tham gia kỳ bầu cử lần đầu tiên là được trải một khóa học để mỗi người trẻ trưởng thành trong thực hiện quyền và trách nhiệm công dân, thể hiện sự trưởng thành, xứng đáng với sự tin yêu mong đợi của đất nước, của mỗi gia đình.
ANH NGUYỄN