Thực tiễn, trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác KT, GS. Công tác KT, GS đã góp phần quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi không ít vụ việc tiêu cực; xây dựng, củng cố mối đoàn kết thống nhất trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm tra đã phát hiện và kiên quyết xử lý thích đáng những tập thể, cá nhân sai phạm; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, làm trong sạch bộ máy. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vụ việc, dù đã được các cơ quan chức năng KT, GS nhiều lần nhưng vẫn không phát hiện được sai phạm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Không cần phải phân tích quá nhiều nhưng nhìn vào thực tế đời sống xã hội, dư luận có quyền đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh chất lượng, hiệu quả công tác KT, GS. Bởi, theo quy định, ở mọi cấp từ Trung ương đến cơ sở đều có cơ quan chuyên trách đảm nhiệm việc KT, GS cả trong Đảng và hệ thống chính quyền các cấp. Chất lượng đội ngũ đảm nhiệm công tác KT, GS ngày càng được nâng lên đáng kể. Cơ chế kiểm tra, thẩm quyền xử lý, kiến nghị hình thức xử lý khi phát hiện tập thể, cá nhân sai phạm cũng được phân cấp một cách minh bạch, rõ ràng hơn. Sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác KT, GS cũng được tăng cường, với nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt. Vậy, vì sao chất lượng công tác KT, GS vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, phải chăng nguyên nhân “bắt nguồn” từ trình độ, năng lực của đội ngũ đảm nhiệm công việc này, hay còn có những nguyên nhân nào khác?
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết không chỉ nêu bật những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, mà còn thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng; trong đó có công tác KT, GS. Đặc biệt, nâng cao chất lượng công tác KT, GS, kỷ luật Đảng là một trong 4 nhóm giải pháp được xác định rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Điều này khẳng định: Công tác KT, GS có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Chủ trương đã rõ, nhiệm vụ, giải pháp cũng hết sức cụ thể, điều quan trọng là triển khai thực hiện như thế nào để đem lại hiệu quả thiết thực. Cần phải nhận thức một cách đầy đủ rằng: Nâng cao chất lượng công tác KT, GS không chỉ kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc tiêu cực, những việc làm gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân mà còn góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính. Vì vậy, để chất lượng công tác KT, GS đạt kết quả tốt, cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, cần gắn trách nhiệm thực hiện công tác KT, GS với chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, tổ chức sản xuất, kinh doanh ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Trong cơ chế thị trường hiện nay, việc gắn trách nhiệm cá nhân đối với từng phần việc, nhiệm vụ được giao là vấn đề cần được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp hết sức coi trọng. Các vụ việc tiêu cực xảy ra khi đã được phát hiện, xem xét trách nhiệm không chỉ là những người trực tiếp tham gia hoặc có liên quan, mà cần có hình thức phù hợp xử lý nghiêm những cán bộ đảm nhiệm công tác KT, GS. Vấn đề này thời gian qua chưa được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm một cách đúng mức. Gắn trách nhiệm cá nhân cán bộ đảm nhiệm KT, GS chính là giải pháp ngăn chặn và khắc phục triệt để tình trạng: Kiểm tra vẫn kiểm tra, vi phạm vẫn vi phạm.
KT, GS là phương thức lãnh đạo của Đảng. Không có kiểm tra là không có lãnh đạo. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra còn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, nhưng trước hết những cán bộ làm công tác kiểm tra phải là những cán bộ liêm chính.
LÊ NGỌC LONG