Từ đầu năm đến ngày 20-6, Việt Nam đã thu hút 1.183 dự án FDI cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11,84 tỷ USD, tăng 56,3% về số dự án và tăng 57,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 549 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,14 tỷ USD và có 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,25 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 6 tháng đầu năm 2017 đạt 19,23 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 
FDI tăng mạnh chứng tỏ môi trường đầu tư ở Việt Nam thuận lợi hơn trước. Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với việc FDI tăng đột biến, nhiều chuyên gia kinh tế lại lo về chất lượng đầu tư. Nhiều doanh nhân Việt Nam lại lo về sự cạnh tranh không cân sức và bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư nội, ngoại.

Tổng số vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn cả nước tăng tới gần 55% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vốn FDI giải ngân mới chỉ đạt 7,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn chậm. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cảnh báo trước thực trạng một số nước đang thay đổi công nghệ và muốn chuyển dần công nghệ sử dụng nhiều năng lượng, nhiều lao động, nhiều tài nguyên, nguyên vật liệu ra nước ngoài. Nếu không cảnh giác trong việc thẩm định, cấp phép thì rất có thể Việt Nam sẽ là nơi tiếp nhận các nhà máy thải loại, lạc hậu của nước ngoài. Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, nhưng cũng cần thận trọng để làm sao tiếp cận được ngay các công nghệ mới, công nghệ tốt, ít tiêu hao năng lượng cũng như các nguồn lực để mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn.

Tại Việt Nam, hiện các doanh nghiệp FDI nhận được những ưu đãi lớn, như việc tiếp cận đất đai, ưu đãi về thuế… Với tiềm lực mạnh hơn các doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, lại ít bị tác động hơn bởi những rào cản từ thể chế, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỷ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, một thực trạng tồn tại là các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 vừa được tổ chức, nhiều đại biểu đề nghị cần phải tăng cường liên kết khu vực FDI với đầu tư trong nước. Chỉ khi sự liên kết này chặt chẽ và hiệu quả thì mới thực sự tối ưu hóa được lợi ích của dòng vốn FDI. Và khi đó, thu hút FDI nhiều mới thực sự có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

FDI đã, đang và sẽ tiếp tục là nhân tố quan trọng, đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương cần sàng lọc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI liên kết, hợp tác để cùng phát triển.

ĐỖ PHÚ THỌ