Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị đơn vị tổ chức cuộc thi “Chinh phục vũ môn” phải tạm dừng sau khi có nhiều ý kiến phản ánh nội dung cuộc thi không phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Ảnh minh họa. Nguồn: binhduong.gov.vn
Vài năm gần đây, nhiều cuộc thi trong nhà trường với muôn hình, muôn vẻ liên tục được tổ chức. Hầu hết các cuộc thi nhằm đánh giá, kiểm tra kiến thức, nhận thức của học sinh, từ đó tạo những sân chơi giúp các em không ngừng hoàn thiện cả về đức, trí, thể, mỹ... Thông qua các cuộc thi này, nhiều học sinh có những khả năng đặc biệt đã được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời. Tuy nhiên, có một thực tế là các cuộc thi đang được tổ chức với mật độ ngày càng dày: Thi trên lớp, thi ở trường, thi trực tuyến tại nhà, thi trên truyền hình... Điều đó khiến không ít phụ huynh và học sinh cảm thấy bị “bội thực” thi cử.
Thi cử, kiểm tra đánh giá là một trong những khâu quan trọng của GD&ĐT. Thế nhưng, tổ chức thi quá nhiều, mật độ quá dày, thậm chí có cuộc thi mà không còn mang mục đích đánh giá, kích thích sự học, sự sáng tạo của học sinh, thi theo phong trào sẽ trở thành những áp lực vô hình khiến cả thầy, trò phải gồng mình chạy theo "guồng quay", từ đó dẫn đến sự sao nhãng việc học chính khóa, ảnh hưởng đến chất lượng học tập toàn diện của học sinh.
Cần phải khẳng định rằng, việc tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao kiến thức, đánh giá năng lực, giáo dục nhân cách cho học sinh là cần thiết. Tuy vậy, việc tổ chức các cuộc thi phải bảo đảm thiết thực, hợp lý, khoa học, phù hợp với tâm lý, nhận thức của từng lứa tuổi học sinh. Hơn nữa, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay ở khâu ra đề, hình thức và phương pháp thi, đánh giá kết quả. Mặt khác, các nhà trường, giáo viên và các bậc phụ huynh cũng cần có cái nhìn đúng đắn về các cuộc thi, không gò ép, bắt buộc học sinh, con em mình phải tham gia những cuộc thi quá sức với các em, hay đi thi chỉ vì chạy theo "phong trào" và "bệnh thành tích" đơn thuần.
Có thể nói, việc kịp thời chấn chỉnh những cuộc thi dành cho học sinh phổ thông của ngành giáo dục trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Dư luận cũng mong muốn ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, duy trì và tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh các cấp bảo đảm thật sự có ý nghĩa thiết thực, góp phần tạo động lực cho cả thầy và trò ngày càng hứng thú với việc dạy-học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
THỦY SƠN