Họp là một trong những hoạt động rất cần thiết, không thể thiếu trong công tác lãnh đạo, điều hành, triển khai công việc, vì vậy, việc tổ chức họp sao cho hiệu quả, trong đó bảo đảm đúng thành phần dự họp là nội dung quan trọng. Thế nhưng, thời gian qua, tình trạng cử đại biểu dự họp không đúng thành phần như ở địa phương nói trên vẫn diễn ra khá phổ biến. Hậu quả của việc này ai cũng có thể thấy rõ: Vì “đi họp hộ”, không đúng vai, không có thẩm quyền, không nắm được vấn đề nên gọi là đi họp nhưng thực ra trong hầu hết các trường hợp chỉ đến để có mặt “điểm danh”, để cơ quan tránh bị phê bình mà ít phát biểu ý kiến, trao đổi, thảo luận; thậm chí có tình trạng khi phát biểu, đại biểu còn nói sai, nói không đúng quan điểm của cơ quan, đơn vị mình, bởi vậy đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc họp, đến tiến độ, hiệu quả giải quyết công việc chung.
 |
Tranh minh họa về giảm bớt các cuộc họp: Ảnh: Dân trí.
|
Vì sao xảy ra tình trạng “đi họp hộ”? Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính không phải do lãnh đạo các cơ quan, đơn vị coi nhẹ việc họp mà xuất phát từ tình trạng “lạm phát” họp đang diễn ra ở nhiều nơi. Mặc dù Chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số nhưng số lượng các cuộc họp trực tiếp ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có những cuộc họp “vô bổ” dường như không giảm mà ngày càng có xu hướng tăng thêm. Nhiều cơ quan, đơn vị có ngày nhận được hàng chục giấy mời họp, không đủ lãnh đạo nên phải cử cán bộ đi họp thay. Có lãnh đạo cơ quan, đơn vị ngày nào cũng phải đi họp. Họp nhiều khiến người đứng đầu cơ quan, đơn vị không có đủ thời gian cũng như tâm huyết, trí tuệ để nghiên cứu, thảo luận giải quyết vấn đề mà phải dựa vào tài liệu, phát biểu theo nội dung cấp dưới chuẩn bị sẵn, đồng thời không có điều kiện sâu sát, bám nắm thực tiễn, đề ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành nên quả thật “lợi bất cập hại”.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc họp, giải quyết tận gốc tình trạng họp không đúng thành phần, ngoài việc duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức họp thì không còn cách nào tốt hơn là phải tinh giản số lượng các cuộc họp. Muốn vậy, trước hết phải xác định đúng tính chất, mức độ, mục đích, ý nghĩa, chỉ tổ chức cuộc họp trực tiếp khi thực sự cần thiết. Với những trường hợp khác, có thể triển khai họp trực tuyến hoặc trao đổi, thảo luận qua email hay các kênh liên lạc khác. Cùng với đó, công tác chuẩn bị nội dung, xác định thành phần dự họp cũng rất quan trọng. Nội dung nào thì mời đại biểu đó trên tinh thần đặt chất lượng, hiệu quả lên hàng đầu, tránh tình trạng mời họp tràn lan, mời các lãnh đạo, mời chuyên gia nổi tiếng cho “hoành tráng” nhưng không hiệu quả vì không đúng, không sát với nội dung, vấn đề cần bàn, cần giải quyết trong cuộc họp.
PHƯƠNG HIỀN