Chần chừ mãi tôi cũng chạy xe ra cây xăng gần nhà. Chao ôi, giờ này rồi mà cây xăng vẫn đông kín khách. Tôi lật đật chạy xe sang cây xăng khác lớn hơn. Nào ngờ, lượng khách xếp hàng ở đây còn đông hơn nữa. Nhiều người mang cả can, thùng đi mua xăng về tích trữ...
Giá xăng tăng thêm gần 3.000 đồng/lít. Nếu đổ đầy một bình xăng xe máy, giá chênh lệch chỉ bớt được khoảng 10.000 đồng. Nếu như so sánh số tiền tiết kiệm này với công sức xếp hàng chờ đợi cả vài chục phút trong lúc tan tầm, hoặc khi trời tối liệu có đáng hay không? Đấy là chưa kể, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chen chúc nhau ở khu vực cây xăng sẽ tăng thêm nguy cơ lây nhiễm. Những trường hợp mang can, mang thùng đi mua xăng về nhà tích trữ còn tiềm ẩn rủi ro cháy, nổ, gây mất an toàn không chỉ cho gia đình mình mà cho cả những hộ xung quanh...
 |
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Trong khi đó, những người bán xăng được thể “chảnh chọe”, thái độ bán hàng như ban phát, bán nhanh, bán ẩu, thậm chí gian dối, bắt chẹt người mua...
Vậy mà, rất đông “thượng đế” tự nguyện chấp nhận tốn thời gian, mất công, mất việc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và cả sự ấm ức chỉ để đổi lấy số tiền quá ít ỏi trước giờ xăng tăng giá! Có phải do họ túng thiếu, cuộc sống quá khó khăn nên phải tính toán từng đồng, từng cắc? Chắc chắn là không, bởi trong số những khách hàng chen chúc ở cây xăng, không ít người đi xe máy hạng sang, ô tô đời mới.
Ngay như anh bạn tôi cũng thuộc loại gia đình khá giả, sẵn sàng chi vài triệu đồng cho một bữa nhậu là thường. Thế nhưng, anh vẫn chấp nhận chen lấn, chờ đợi đổ xăng để... “bớt được đồng nào hay đồng ấy”. Có lẽ bởi tâm lý a dua, bắt chước. Ban đầu chỉ vài người đổ xăng trước giờ tăng giá, rồi họ thông tin cho những người khác, thế là lũ lượt kéo đến cây xăng, chẳng cần biết tiết kiệm được bao nhiêu.
Tâm lý a dua, đám đông, khiến người ta không phân biệt được hay-dở, đúng-sai, nên hay không nên, cứ thấy mọi người sao thì mình theo vậy một cách vô thức. Người này rủ người kia, đi qua cây xăng thấy đông người chờ đợi, mình cũng dựng xe lại, đổ thêm dù bình xăng còn nhiều. Dường như người ta có cảm giác sợ bị thiệt thòi so với người khác...
Trên thực tế, không chỉ riêng xăng dầu mà đã từng có những mặt hàng khác mỗi khi xuất hiện thông tin điều chỉnh tăng giá, dù ít hay nhiều, là lại xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua gom mặt hàng đó dẫn đến sốt giá, cháy hàng, ảnh hưởng tới cuộc sống, thậm chí gây lộn xộn, mất an ninh trật tự.
Xưa nay, người Việt ta có thói quen tiết kiệm. Đây là một đức tính cần có của mỗi người. Tiết kiệm thực sự cần thiết, nhất là trong thời buổi giá cả các mặt hàng leo thang nhanh chóng. Thế nhưng, cái giá của sự tiết kiệm phải tương xứng với thời gian, công sức bỏ ra. Không nên vì a dua theo đám đông mà chen chúc đổ xăng dù bình xăng chưa cạn. Điều này không chỉ mất thời gian, tốn công sức mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy, nguy cơ và gây ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Đó là chưa kể, chúng ta đang tạo cơ hội làm giàu cho chủ cây xăng trong khi họ bất cần, “chảnh chọe”, cư xử chẳng nhã nhặn gì với những “thượng đế” đang dốc hầu bao cho họ...
Tiết kiệm như thế, nên chăng?
CHÂU GIANG