Những ngày đầu năm 2014, có hai sự việc liên quan đến sự hiểu biết và chấp hành luật pháp của người dân. Việc thứ nhất: Trên đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai (đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc) vừa mới được thông xe và đưa vào sử dụng, một số người dân đã mang các vật cản ra để chặn phương tiện giao thông và rải cả đinh lên mặt đường. Việc thứ hai: Tại công trường xây dựng Nhà máy điện tử Sam Su
 |
Công nhân châm lửa đốt cháy 3 thùng container tại công trường xây dựng Nhà máy điện tử Sam Sung, thuộc Khu công nghiệp Yên Bình, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên). Ảnh: Báo Thanh niên. |
QĐND - Những ngày đầu năm 2014, có hai sự việc liên quan đến sự hiểu biết và chấp hành luật pháp của người dân. Việc thứ nhất: Trên đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai (đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc) vừa mới được thông xe và đưa vào sử dụng, một số người dân đã mang các vật cản ra để chặn phương tiện giao thông và rải cả đinh lên mặt đường. Việc thứ hai: Tại công trường xây dựng Nhà máy điện tử Sam Sung, thuộc Khu công nghiệp Yên Bình, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) xảy ra vụ xô xát giữa hàng nghìn công nhân và lực lượng bảo vệ. Hậu quả là hơn 10 người bị thương và nhiều tài sản bị hủy hoại.
Cả hai sự việc trên đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân và sự chấp hành luật pháp không nghiêm. Người dân chưa có hoặc chưa được trang bị kiến thức pháp luật cần thiết. Ai cũng tự cho mình có cái quyền được "tự xử". Người dân ở Vĩnh Phúc không hiểu được việc mình cản trở giao thông quốc gia là vi phạm pháp luật. Công nhân và bảo vệ trên công trường xây dựng Nhà máy điện tử Sam Sung cũng không hiểu được đánh người, hủy hoại tài sản là phạm pháp.
Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, mỗi công dân đều phải “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Đó không chỉ là khẩu hiệu mà phải là hành động cụ thể của mỗi công dân. Trong xã hội pháp quyền, mỗi người dân được làm những việc mà pháp luật không cấm, và ngược lại, không được làm những việc mà luật pháp không cho phép. Tuy nhiên, để người dân thấu hiểu điều này, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật đến mọi người dân. Cần có nhiều hình thức giáo dục pháp luật phù hợp với các đối tượng, lứa tuổi, nghề nghiệp... Nhà trường, gia đình và xã hội cùng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật. Bên cạnh công tác giáo dục, phải có chế tài bảo đảm cho luật pháp được thực thi nghiêm túc. Các cơ quan công quyền, nhất là các cơ quan tư pháp, hành pháp cần phải thực hiện nghiêm chức năng của mình để pháp luật được tôn trọng mọi lúc, mọi nơi. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
“Thượng tôn pháp luật” chính là góp phần để đất nước ta, xã hội ta ngày càng văn minh, hiện đại.
BẢO CHÂU