Trong đó, có khoảng 7.500 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội gần 400 tỷ đồng nhưng các DN này đã giải thể, dừng hoạt động, chủ DN thì bỏ trốn... Chắc chắn rằng, đây là số nợ gần như không thể thu hồi và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng chục nghìn lao động.
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Từ thực tế trên cho thấy hai vấn đề đáng quan tâm. Thứ nhất, do lỗ hổng từ công tác quản lý nên dẫn tới việc DN nợ đóng, chậm đóng BHXH, nhưng người lao động lại không hề hay biết. Chỉ đến khi hoạt động sản xuất, kinh doanh không thể vãn hồi, DN dừng hoạt động, rút khỏi thị trường thì mọi chuyện mới vỡ lở. Lúc này, các cơ quan chức năng khó lòng truy cứu vì DN không còn tồn tại, chủ DN đã bỏ trốn và công nhân, người lao động thì “lãnh đủ”: Vừa thất nghiệp, có khi còn bị nợ lương; trong khi đó, các chế độ, chính sách khi tham gia BHXH bắt buộc, như trợ cấp thất nghiệp, chế độ thai sản, bảo hiểm y tế... không được thụ hưởng đầy đủ. Nghiêm trọng hơn, hành vi trốn đóng BHXH còn ảnh hưởng tới thời gian tham gia BHXH để làm căn cứ tính lương hưu cho người lao động. Bởi theo nguyên tắc “đóng đến đâu hưởng đến đó”, cơ quan BHXH sẽ tạm thời chốt thời gian đó lại, không tính vào quá trình đóng BHXH khi giải quyết các chế độ liên quan như hưu trí, thất nghiệp... Thứ hai, có thể thấy việc các DN nợ đóng, chậm đóng và trốn đóng BHXH đã tồn tại trong nhiều năm qua. Có nhiều DN bị cơ quan BHXH thanh tra, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng sau đó vẫn tiếp tục vi phạm. Bởi lẽ, so với khoản nợ hàng tỷ đồng thì mức xử phạt hành chính là chưa đủ răn đe và DN sẵn sàng nộp phạt để kéo dài thời gian duy trì khoản nợ này... Trong khi đó, mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) đã có quy định xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH, nhưng cho đến nay, không chỉ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn chưa có DN nào bị xử lý về tội danh này. Điều này dẫn đến tình trạng, “thuốc đắng” nhưng chưa “dã tật”, còn “người bệnh” thì ngày một “nhờn thuốc”. Hay nói cách khác, “liều thuốc” xử lý hình sự với hành vi trốn đóng BHXH chưa thật sự phát huy tác dụng nên ngày càng nhiều DN có biểu hiện “nhờn luật”. Qua đây cũng cho thấy, các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm liên quan đến BHXH còn rất nhiều kẽ hở nên chưa bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai.
Có nhiều câu trả lời cho việc nợ đóng, chậm đóng BHXH thời gian qua, mà nguyên nhân chính là do các DN gặp khó khăn, phải xoay xở từ nhiều nguồn để có thể duy trì hoạt động. Nhưng dù nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, dù bằng biện pháp này hay biện pháp khác để khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động thì DN không thể viện cớ để bao biện cho hành vi nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH. DN mong muốn phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đây là nhu cầu chính đáng tất yếu, nhưng sự phát triển đó phải xuất phát từ nội lực của DN. Đồng thời, DN phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật chứ không phải lợi dụng kẽ hở pháp luật, càng không thể vì sự phát triển của DN mà hy sinh lợi ích của người lao động. Đó là sự phát triển không cân đối, thiếu chuẩn mực, không bao giờ bền vững và là con đường ngắn nhất dẫn tới phá sản.
Thuốc đắng nhưng cần được kê đúng liều, đúng bệnh và đúng thời điểm thì mới trị được bệnh. Do đó, đã đến lúc các cơ quan thực thi pháp luật cần xử lý mạnh tay với hành vi trốn đóng BHXH, nhất là phải mạnh tay xử lý, ngăn chặn những khoản nợ khó đòi ngay từ lúc còn đang manh nha có biểu hiện, chứ không phải tìm cách xử lý khi “sự đã rồi”. Điều này vừa bảo đảm tính răn đe của luật pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế.
MINH MẠNH