Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với BĐKH, vừa diễn ra tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt tinh thần "thuận thiên" trong phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống. Quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển ĐBSCL là: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, "thuận thiên" là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế...
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, diện mạo đời sống kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL đã có những thay đổi rất quan trọng. Tinh thần "thuận thiên" đã từng bước đi vào đời sống, trở thành phương châm, kỹ năng của người dân, khẳng định tính tất yếu của xu hướng mới. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chúng ta đã từng bước “biến nguy thành cơ” để phát triển. Trước đây, ĐBSCL lấy sản xuất lúa gạo là chủ lực, tiếp đó là trái cây, thủy sản, thì nay, với tinh thần "thuận thiên", trục phát triển đã chuyển sang lấy thủy sản làm chủ lực, tiếp đó là trái cây rồi mới tới lúa gạo. 3 năm qua, thủy sản tăng từ 860.000ha lên hơn 900.000ha; diện tích đất lúa từ 1,82 triệu ha giảm còn 1,7 triệu ha, diện tích trồng cây ăn trái từ 385.000ha lên hơn 450.000ha...
 |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với BĐKH. Ảnh: cand.com.vn. |
Ở nước ta, ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của BĐKH. Những kết quả và kinh nghiệm bước đầu sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 không chỉ là bài học của riêng khu vực ĐBSCL mà còn gợi mở những phương pháp mới, lối tư duy tiến bộ, hiện đại cho nhiều địa phương, vùng, miền khác, nhiều lĩnh vực khác. Để thích ứng với BĐKH, con người không thể cưỡng lại quy luật tự nhiên, không thể chống lại thiên nhiên mà phải nghĩ cách, tìm cách chung sống hòa bình với thiên nhiên để phát triển. Sống "thuận thiên" là bước phát triển mang tính khái quát, đúc kết từ những mô hình sống chung như: “Sống chung với lũ”, “sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn”... đã triển khai từ nhiều năm qua.
Không riêng gì chúng ta, BĐKH đã và đang đặt tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu vào sự lựa chọn bắt buộc: Phải chung sống thân thiện với mẹ thiên nhiên. Chính vì vậy, "thuận thiên" là một khái niệm vừa cụ thể vừa khái quát, vừa thể hiện tính vi mô vừa mang tầm vĩ mô. "Thuận thiên" không chỉ là sự lựa chọn mà còn là một khoa học và trên nhiều phương diện cụ thể, "thuận thiên" là một nghệ thuật. Sống "thuận thiên" để bảo đảm cho con người có môi trường phát triển toàn diện. Xu hướng "thuận thiên" thích ứng BĐKH là chiến lược quốc gia, nhưng tinh thần và hành động "thuận thiên" lại phải bắt đầu từ suy nghĩ, việc làm của mỗi con người trong cuộc sống hằng ngày. Biết xả rác đúng chỗ, đúng nơi quy định, biết dành thời gian để tham gia trồng cây gây rừng, biết nhắc nhở nhau tiết kiệm điện, nước, cùng nhau có ý thức bảo vệ môi trường sống từ mỗi gia đình, tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương... chính là mỗi người đã góp một phần sức lực cho xu thế "thuận thiên", lối sống "thuận thiên".
Như vậy, "thuận thiên" là một cách sống, một lối sống có trách nhiệm, có văn hóa với môi trường và mẹ thiên nhiên...
PHAN TÙNG SƠN