Hoạt động của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở nông thôn, miền núi đang là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, nhìn nhận từ nhiều góc độ.

Một cuộc điều tra gần đây cho thấy, có quá nửa thanh niên nông thôn, miền núi, lớn lên không có điều kiện tiếp tục học hành, rất lúng túng trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp. Thường thì, con gái mau chóng lấy chồng, con trai tìm hướng ra thành phố làm thuê kiếm sống, một bộ phận khác sa vào tệ nạn xã hội, trong khi tổ chức Đoàn ở cơ sở dường như ngày càng không đủ sức hấp dẫn để lôi kéo và tập hợp họ.

Những cố gắng gần đây của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thông qua các chương trình, phong trào, chiến dịch… tập hợp đông đảo thanh niên, song nhìn chung kết quả còn thấp so với nhu cầu thực tế: Tổ chức dạy nghề cho thanh niên nông thôn không bắt nhịp với nhu cầu xã hội. Vay vốn cho thanh niên sản xuất quá nhỏ bé, có nơi chỉ 2 đến 3 triệu đồng. Đang phấn đấu năm 2009 có thể cho thanh niên được vay từ 20 đến 30 triệu đồng, nhưng đó mới là “đang phấn đấu”, và không phải ai, ở đâu cũng được vay. Các hình thức sinh hoạt Đoàn lại cũ kỹ, thiếu sức lôi cuốn, nhàm chán, khiến thanh niên nông thôn đành phải tự tìm các kiểu giải trí của riêng mình: Lành mạnh thì xem phim truyền hình không thì bài bạc, nghiện hút… Tổ chức Đoàn ở một số địa phương hình như đã “ngủ quên” từ khá lâu rồi.

 

Trước thực trạng đó, có người đánh giá đội ngũ cán bộ Đoàn ngày nay kém tài, kém nhiệt huyết, không đủ sức lay động tâm hồn, tình cảm tuổi trẻ để họ hướng theo. Những người bình tĩnh hơn thì thấy nguyên nhân bao trùm là do chuyển đổi cơ chế dẫn đến những thay đổi về nhận thức, tâm lý xã hội. Thủ lĩnh Đoàn thiếu tâm huyết, thiếu tài năng chỉ là một trong rất nhiều những nguyên nhân. Sự thực đã có nhiều tấm gương cán bộ Đoàn trên khắp mọi miền đất nước xứng đáng là “thủ lĩnh”, xốc dậy phong trào của thanh niên địa phương, làm giàu cho mình và cho nhiều người khác.

Với tư cách là đội hậu bị tin cậy của Đảng, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở nông thôn, miền núi cần đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp thanh niên, sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp hoạt động phù hợp với trình độ, tâm lý, sở thích và nguyện vọng của tuổi trẻ ở các vùng quê. Hình thức cũ không thể phù hợp với hiện thực mới. Không thể bắt đoàn viên, thanh niên tháng nào cũng ngồi nghe nghị quyết chung chung, nói những điều vô thưởng vô phạt mà phải giải đáp những điều thanh niên đang lúng túng, bế tắc, đáp ứng đúng những điều thanh niên cần. Đất nước đã hội nhập, lý tưởng làm giàu được tôn vinh thì không thể mãi hô hào những câu khẩu hiệu một chiều, không quan tâm lợi ích cá nhân và xã hội. Nên chăng, mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, xã hội lành mạnh, cần được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực ở địa phương. Chẳng hạn giúp một gia đình chính sách; giúp một em nhỏ có quần áo, sách bút đi học; giúp một thanh niên vượt qua những khó khăn trong cuộc sống…

Rõ ràng, để Đoàn làm được nhiều việc thiết thực thì Đoàn phải có sức mạnh về chính trị và kinh tế. Tổ chức Đoàn phải là linh hồn của thanh niên tập hợp sức mạnh “Đào núi và lấp biển”. Đó là vấn đề lớn, cần những quyết sách lớn. Cuộc sống đang hằng ngày tiếp nối diễn ra, phong phú và sinh động, mỗi tổ chức Đoàn cơ sở ở nông thôn, miền núi hãy năng động, sáng tạo, như “Cây đời mãi mãi xanh tươi”, khơi lên những mạch nguồn sáng tạo trong tuổi trẻ, để hy vọng một ngày không xa, phong trào Đoàn lại bùng lên, sôi nổi tiến quân vào những nơi Đảng gọi.

NHẤT THẢO