Nhờ tiếp xúc với khách hàng nước ngoài, nắm bắt được “gu” thẩm mỹ hiện đại, lại được đào tạo bài bản mỹ thuật công nghiệp, không khó để anh thiết kế những sản phẩm nội thất như bình hoa, hộp đựng đồ... độc đáo từ bút chì màu. Dưới bàn tay tài hoa của các thợ mộc huyện Thạch Thất (Hà Nội), sản phẩm của Henry Le Design đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất, mang lại doanh thu cao.
Liệu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề thủ công mỹ nghệ có thể thành công như Henry Le Design được không? Câu trả lời là có, nếu sản phẩm hội tụ các yếu tố: Tính sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ, kỹ năng kinh doanh. Yếu tố thiết kế vẫn phải đi đầu, bởi thiết kế sáng tạo mới tạo ra sản phẩm độc đáo chứa đựng vốn văn hóa, tri thức công nghệ và giúp quảng bá thuận lợi hơn.
Vẫn là bàn ghế, lọ hoa, chân nến, hộp trang sức..., nếu chỉ chế tác thô mộc rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của thiết kế ở khả năng “quyến rũ” khách hàng, nâng tầm sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
 |
Thủ công mỹ nghệ luôn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn |
Tại Việt Nam, sản xuất thủ công mỹ nghệ chủ yếu dựa trên hệ thống 2.556 làng nghề, có bề dày truyền thống hàng trăm năm. Tay nghề thợ thủ công nước ta điêu luyện đến mức bạn bè quốc tế phải thán phục. Nhưng hạn chế ở các làng nghề là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thiết kế sản phẩm theo lối mòn, chưa chú trọng đổi mới.
Tại các cuộc tọa đàm, hội thảo trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 với chủ đề “Đánh thức truyền thống” tổ chức mới đây ở Hà Nội, các chuyên gia cho rằng: “Kho báu” vốn văn hóa, kỹ năng tạo tác lưu truyền ở các làng nghề cần được “đánh thức” thông qua tư duy thiết kế hiện đại. Thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, thiết kế có tính chất toàn cầu, có sức hội nhập về thẩm mỹ là xu thế tất yếu.
Chúng ta không thể bê nguyên xi các họa tiết tùng, trúc, cúc, mai, long, ly, quy, phượng... theo cách biểu đạt truyền thống để đưa vào sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Những họa tiết truyền thống chứa đựng “mã văn hóa” Việt Nam mà khách hàng ở các nền văn hóa khác thì sẽ khó “giải mã”, không hiểu thì không thích và không mua sản phẩm. Con đường khả dĩ là lựa chọn biểu tượng, thiết kế cách điệu, làm mới hình ảnh hoa sen, nón lá... để có tính toàn cầu, dễ nhận diện, dễ được yêu thích. Bên cạnh đó, đa dạng hóa hình thức, chất liệu, công năng sử dụng cũng cần đặc biệt chú ý.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (năm 2015) lên đến 2,23 tỷ USD (năm 2019). Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (năm 2016) đặt mục tiêu đến năm 2030, các ngành này sẽ đóng góp 7% GDP. Trong đó, thủ công mỹ nghệ được xác định là ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.
Để tăng tỷ suất lợi nhuận mặt hàng tỷ đô này, không thể khác là phải đổi mới thiết kế. Nhưng xem chừng, những người thợ tài hoa chỉ biết hoàn thiện sản phẩm; kỹ năng thiết kế, nhất là thiết kế mang tính hiện đại lại là sở đoản. Cho nên các làng nghề muốn vươn ra thị trường quốc tế, không có cách nào khác phải liên kết với các cá nhân, tổ chức có chuyên môn thiết kế để nhận được sự tư vấn sát sườn, tạo ra các sản phẩm hợp thị hiếu công chúng toàn cầu.
Bên cạnh đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, giải quyết việc làm, mặt hàng thủ công mỹ nghệ nếu được thiết kế nâng tầm, khéo léo, linh hoạt đưa các yếu tố văn hóa Việt Nam vào sản phẩm sẽ là một phương thức quảng bá văn hóa Việt Nam hiệu quả, gia tăng thương hiệu, sức mạnh mềm quốc gia.
HÀM ĐAN