QĐND - Đầu Xuân, nhà tôi có dịp được đón tiếp mấy đoàn phụ nữ đến thăm, trong đó có những chị em lần đầu được gặp. Chuyện qua lại ít câu, mẹ tôi sửng sốt và khen lấy khen để về vẻ trẻ trung của các chị. Quả khó đoán được trong các chị có người đã, hoặc sắp lên chức bà ngoại, bà nội. Tôi tán thành nhận xét của mẹ mình và bắt vào chuyện về thời đại mới, cuộc sống mới làm cho chị em nước ta bây giờ có điều kiện và biết quan tâm chăm sóc cho sức khỏe, vẻ đẹp hình thức của mình hơn bao giờ hết.
Chẳng phải khen làm quà, khen lấy được các chị, tôi mang chuyện phụ nữ ở nông thôn bây giờ cũng biết, cũng có thể mặc những trang phục đẹp, hợp thời không khác nơi phố thị. Đi lễ, đi hội hè đình đám hay họp hành thì thấy tươi tắn đủ mọi sắc màu. Phụ nữ đẹp làm đất nước đẹp hẳn lên.
 |
Ảnh minh họa/VnExpress. |
Điều kiện sống được cải thiện, nâng cao, trào lưu sống khỏe, sống xanh, sự giao tiếp, giao lưu với nhịp độ ngày càng tăng, cùng nhận thức và tri thức làm đẹp của phụ nữ và cả xã hội đã tạo nên nền tảng để không chỉ thanh nữ mà tất cả phụ nữ các lứa tuổi đều có nhu cầu về tự làm đẹp. Tuy nhiên, không phải mọi sự đều diễn ra xuôi chèo mát mái. Nhẹ thì muốn mặc áo dài, muốn chút son phấn, nhưng đi xe gắn máy, xe đạp không được, không thể ra đường lúc trời nắng mồ hôi bễ bãi, hay trời mưa nhòe nhoẹt. Mà không phải ai, ở đâu, lúc nào cũng có thể có ô tô đưa đón. Nặng hơn là cái bệnh phong trào, cái sự đua đòi mà dại dột, kệch cỡm không muốn nhắc lại những chuyện đau lòng vì phẫu thuật thẩm mỹ, chỉ thấy những loại hàng hóa mỹ phẩm, những thứ thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng bày bán tràn lan ở phố xá, ở chợ quê. Ai hướng dẫn, ai cảnh báo, ngăn chặn, dẹp bỏ, nếu như không phải là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, đoàn thể, tổ chức xã hội?
Phụ nữ là phái đẹp, nhu cầu làm đẹp được tự thân mỗi chị em quan tâm đã đành, mà xã hội nói chung cũng ngày mỗi ủng hộ, tạo điều kiện. Nhưng phụ nữ còn là phái yếu, không chỉ chân yếu tay mềm, mà còn yếu thế trong công việc xã hội, trong tuyển chọn lao động. Là phái yếu nhưng lại phải là “nội tướng”. Gia đình kiểu truyền thống chất lên vai họ biết bao công việc không tên. Chỉ một cái Tết, chỉ vài công việc phía trước, phía sau lễ hội đã thấy gánh nặng việc nhà, việc làng của họ chẳng nhẹ đi bao nhiêu so với trước đây. Đành rằng, thời buổi hiện nay, chuyện đi chợ mua bán sắm sanh, chuyện cơm nước, giặt giũ, chăm lo cha mẹ, chồng con đã có máy móc trợ giúp, dịch vụ tiện lợi, nhưng có tiện lợi được bao nhiêu mà không có sự cảm thông, san sẻ đỡ đần chung tay của người đàn ông thì người phụ nữ cũng cứ còn vất vả, thời gian đâu mà chăm sóc bản thân.
Nghiêm túc xem lại, cái bệnh gia trưởng, thói lẩn tránh việc nhà của đàn ông ở ta dù đã tiến bộ khá nhiều, song vẫn còn nặng nề, thâm căn cố đế ở phần đông các gia đình. Truyền thông, báo chí đã nói nhiều và vẫn đang nhiệt thành tuyên truyền, phê phán hay đưa nhiều câu chuyện, tấm gương cổ vũ, song những tờ báo, những chương trình truyền thông, phát thanh, truyền hình về phụ nữ cũng chủ yếu chỉ có phụ nữ xem, nghe phụ nữ góp tiếng, góp lời. Cuộc cải biến đổi thay quan điểm, nhận thức và nhất là tâm tính, thói quen, hành xử về bình đẳng giới nói chung vẫn còn gian nan, lâu dài. Câu chuyện “nói với người đàn ông về phụ nữ” cứ vẫn phải kiên trì, vẫn cần những tấm lòng, sáng kiến xã hội, vẫn cần những người nêu gương.
“Chồng con các chị có cảm thông trong chuyện các chị làm đẹp, giữ gìn vóc dáng và san sẻ việc nhà?”. Tôi đã hỏi những vị khách phụ nữ đến nhà cũng như những lần gặp các chị em khác. Câu trả lời lần này là: “Họ hoan hô, ủng hộ bằng miệng thì nhiều, còn việc làm cũng ngày mỗi khá lên”. Các chị đã gặp may, hạnh phúc, mỗi nhà mỗi cảnh. Đúng rồi, nhưng điều chung cho tất cả là trước hết, mỗi chị em hãy biết tự chăm sóc cho bản thân, tự biết lo liệu cho “công, dung, ngôn, hạnh”, cho việc nhà. “Gái có công, chồng chẳng phụ”, thế mạnh của phái đẹp là ở đây. Phái đẹp, cái đẹp có tiếng nói, có sức chinh phục tinh tế mà đậm đà lắm lắm.
ANH NGUYỄN