Hằng ngày, thấy báo, đài vẫn tuyên truyền tháng 6 là tháng hành động vì trẻ em, với không ít chương trình được phát động nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng cùng chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, giữa nói và làm ở rất nhiều nơi vẫn là khoảng cách. Bởi những cuộc phát động nhiều khi còn mang nặng tính hình thức.

Covid-19 ở nhà đã đành, giờ hết dịch rồi, nhu cầu tham gia hoạt động vui chơi, ngoại khóa rất lớn, nhưng hầu như trẻ vẫn phải ở nhà với 4 bức tường. Mới ngày hôm qua (10-6), tình cờ đi qua Hiệu sách Kim Đồng (Văn Cao, Hà Nội), tôi bất ngờ với cảnh các cháu thiếu niên xếp hàng dài để mua được phiên bản giới hạn cuốn truyện tranh của nước ngoài. Thế mới thấy trẻ rất thèm có những sản phẩm văn hóa phù hợp lứa tuổi.

 Trẻ em cần có những hoạt động vui tươi, lành mạnh. Ảnh minh họa: TTXVN

Đã lâu rồi không có bộ phim nào dành cho thiếu nhi kể từ sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Sách dành cho trẻ phần lớn cũng là sách dịch, sáng tác của Việt Nam chỉ chiếm phần rất nhỏ. Ấn phẩm văn hóa không có, sân chơi chung của trẻ cũng bị người lớn cắt xén làm chỗ gửi xe, bán hàng, trồng cây cảnh cho riêng nhà mình. Các chương trình dạy bơi cũng có nơi mang tính hình thức. Bể bơi ở thành phố hay làng quê mở ra để lấy tiền của phụ huynh là chính, mà chưa thực sự dạy các em biết bơi để tự cứu mình.

Các chương trình ngoại khóa hấp dẫn trẻ, nhưng chi phí tham gia đắt đỏ (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng), khiến hầu hết con em trong các gia đình mà bố mẹ là người lao động bình thường không có điều kiện tham gia. Trẻ thành phố dù có tiền cũng ít chỗ chơi bổ ích đã đành, trẻ ở nông thôn có không gian thì lại thiếu điều kiện và sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm giúp nâng cao kỹ năng, trí tuệ và thể chất.

Cuối cùng, trẻ em lại co cụm trong chính ngôi nhà của mình, không có điều kiện sinh hoạt chung, ít các hoạt động nhóm hay các hoạt động mang tính cộng đồng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trẻ hạn chế kỹ năng sống, không thông hiểu xã hội, ít có tư duy gắn kết cộng đồng. Thiếu chỗ để chơi, thiếu các hoạt động giải trí lành mạnh, trẻ lại quanh quẩn với máy tính, điện thoại di động...

Lỗi này thuộc về người lớn. Hầu như ai cũng nhìn ra những thiếu sót đó nên nhiều hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề... đã bàn về vấn đề này. Hàng loạt giải pháp cũng được đề xuất, thậm chí mới đây Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi. Thế nhưng, rất đáng buồn là dường như mỗi dịp hè đến, vấn đề này không có gì thay đổi.

Ngẫm lại thì thấy, người lớn cần thật lòng nhận lỗi với trẻ. Rằng chúng ta đã sai, chúng ta hứa nhiều mà làm còn ít cho trẻ. Điều quan trọng là chúng ta phải sửa sai bằng những hành động cụ thể, đó đơn giản là những hoạt động vui tươi, lành mạnh, có tổ chức... kéo trẻ ra khỏi 4 bức tường, khỏi những màn hình máy tính... cho trẻ những ngày nghỉ hè hạnh phúc.

HIỀN VINH