Cụ thể, hiện có đến 35% đơn hàng bắt buộc phải được kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. Thế nhưng, tỷ lệ đơn hàng phát hiện có vấn đề chỉ khoảng dưới 1%. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho hay, năm 2016, tại đơn vị này chỉ phát hiện 30/67.224 lô hàng được kiểm tra (chiếm 0,04%) không đạt yêu cầu về kiểm tra an toàn thực phẩm.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét rằng, có những thủ tục kiểm tra chuyên ngành của một số bộ, ngành được ban hành khá tùy tiện, không cần thiết. Nghị quyết 19/NQ-CP đã  yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 35% xuống còn 15% vào năm 2016, nhưng cho đến nay, dù Chính phủ đã nỗ lực mà vẫn chưa thực hiện được.

Các doanh nghiệp đang bị làm khổ vì những thủ tục ít ý nghĩa. Tại hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương vừa tổ chức, doanh nghiệp “kêu” nhiều về thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Họ mất hàng tháng trời để làm thủ tục trên và chờ đợi, cuối cùng cũng chỉ nhận được một giấy xác nhận trong đó ghi đại ý rằng chính doanh nghiệp chứ không phải cơ quan cấp giấy, phải tự chịu trách nhiệm đối với những gì đã công bố trên bao bì của sản phẩm!

leftcenterrightdel
 Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 kiểm tra hàng nhập khẩu: Ảnh minh họa: Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh.
Trong nền kinh tế phát triển ngày càng nhanh, ngày càng đa dạng như hiện nay thì quy định quản lý của tất cả các bộ, ngành đều có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Có những quy định tưởng chừng không liên quan, nhưng tác động lại rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, nhắc tới các quy định trong Luật Xuất bản, người ta nghĩ nhiều đến vấn đề quản lý tư tưởng. Nhưng hóa ra các quy định trong đó lại ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp sản xuất bởi nó liên quan đến mẫu mã in ấn, bao bì sản phẩm... 

Chính vì vậy, đặt ra các quy định để quản lý, kiểm soát là việc cần thiết, đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhạy cảm, cần phải có những điều kiện kinh doanh cụ thể. Thế nhưng, mỗi quy định đưa ra phải được tính toán kỹ sự cần thiết. Quy định nào không cần thiết thì phải sớm được loại bỏ. Về tổng thể, theo Luật Đầu tư hiện chỉ còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, vẫn có xu hướng các bộ, ngành đưa ra các quy định mới để gây ảnh hưởng cho hoạt động của doanh nghiệp.

Vừa qua, trên bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017, Việt Nam đã tăng 12 bậc, xếp thứ 47/127 quốc gia, nền kinh tế. Đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ những nỗ lực của Chính phủ đã có những kết quả khả quan. Thế nhưng, cùng với đó, chỉ số đổi mới sáng tạo tại một số bộ, ngành lại giảm. Vì thế, những nỗ lực đổi mới cần phải được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, chỉ cần lơ là thì sẽ bị tụt hạng, đồng nghĩa với việc giảm sức hút cạnh tranh thu hút vốn đầu tư.

Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, điều kiện kinh doanh là những quy định phải được Quốc hội thông qua, các bộ, ngành, địa phương không được tự ý đặt điều kiện kinh doanh. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc tuyên chiến với các “giấy phép con” đang ngáng trở quá trình phát triển kinh tế đất nước.

HỒ QUANG PHƯƠNG