Bắt đầu triển khai từ năm 2013 và dự án từng được kỳ vọng sẽ chống sa mạc hóa ở vùng ven biển, tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển đổi nghề cho người dân vùng dự án. Nhưng đến nay dự án này do Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), là doanh nghiệp Nhà nước thực hiện, đã phải dừng lại khi càng đầu tư càng thua lỗ. Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại được xác định là do thiếu đầu ra, chi phí quá cao, bị thiên tai tàn phá, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh với sản phẩm rau, củ, quả sản xuất thông thường.

Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM trồng lạc để cải tạo đất. Ảnh: thanhnien.vn

Doanh nghiệp đã rút vốn, rút người, thu hồi vật chất của dự án, để lại những trảng cát ven biển trống trơn, mọc đầy cỏ dại. Nhưng, trong những khu vườn của người dân quanh đó vẫn phủ xanh màu của cây rau, củ, quả-các giống cây từ dự án đã được tuyển chọn kỹ càng. Người dân tiếp tục trồng trên đất của họ các giống cây đó theo đúng quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Nhiều hộ dân làm tốt thì vẫn có thu nhập từ mảnh vườn đất cát vốn chẳng trồng được cây gì từ hàng nghìn năm nay chỉ để cho cỏ mọc, mùa hè gió Lào tung cát vào mâm cơm, nay đã có giá trị. Trong lòng họ thầm cảm ơn doanh nghiệp đã mang đến một nghề mới trồng rau trên cát, và bây giờ chỉ cần làm theo quy trình kỹ thuật, tuân thủ các quy định về giống, chăm bón, thu hoạch mà trước đó doanh nghiệp đã hướng dẫn, chuyển giao, là thành công! Rau, củ, quả sản xuất với quy mô vườn hộ gia đình thì đầu ra không thiếu, trong khi chi phí giảm thiểu, người dân làm cho chính mình nên tận dụng thời gian "một nắng hai sương", sản phẩm làm ra đã có thương hiệu của doanh nghiệp để lại “rau Mitraco”, bán rất chạy.

Doanh nghiệp thất bại nhưng nhiều hộ dân thì thành công, điều đó tưởng là nghịch lý nhưng rất dễ hiểu: Sự đầu tư từ Nhà nước, hay từ các thành phần kinh tế khác vào khu vực nông nghiệp không chỉ là tiền bạc, vật chất nhìn thấy được mà còn ẩn chứa trong đó rất nhiều tri thức, kiến thức, khoa học và kinh nghiệm. Đó là các giá trị “mềm”. Người dân trong khu vực các dự án nếu biết đón nhận, tiếp thu, ứng dụng các “giá trị mềm” đó, có thể tạo chuyển biến trong nếp sống, sinh hoạt và thay đổi nhận thức, tập tục canh tác của mình để tạo thu nhập, việc làm, nâng cao chất lượng sống.

Được biết, dự án  nói trên được UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 18 tỷ đồng và Công ty Mitraco đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Hơn 31 tỷ đồng từ hai nguồn đó không hoàn toàn mất trắng, mà số vốn đó đã được chuyển hóa vào trong dân, mang đến cho người dân huyện Thạch Hà điều mới mẻ mà từ xưa đến nay họ chưa biết, chưa làm: Hoàn toàn có thể trồng rau, củ, quả trên các trảng cát khô cằn ven biển. Không những để ăn mà còn để bán. Thậm chí, để làm giàu!

Xét trong ý nghĩa xã hội đó, dự án đã thành công!

TRẦN HOÀI