Khi những chuyến bay từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đưa kiều bào về quê vui Tết sum họp cũng là lúc ẩm thực và các mặt hàng mang bản sắc dân tộc từ các vùng, miền trong nước theo chiều ngược lại, đến với bà con kiều bào xa quê...

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán của người dân Việt Nam. Ảnh:doanhnghiep.com.vn

GS, TS Trần Ngọc Thêm, chuyên gia văn hóa hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh kể rằng, ông đã rất bất ngờ và xúc động khi được đón Tết với kiều bào ở những nước cách xa quê hương hơn nửa vòng Trái đất. Giữa những thành phố văn minh, hiện đại ở các nước tiên tiến, hình ảnh Tết Việt do cộng đồng người Việt tổ chức, vẫn đậm đà hương sắc của “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...”, của nón lá, áo dài và tương, cà, mắm, muối... Càng ở xa quê hương, ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc của kiều bào càng trở thành nhu cầu tự thân trong mỗi con người, mỗi gia đình mang dòng máu Lạc Hồng.

Những lễ hội mang bản sắc Việt được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới trở thành nhân tố lan tỏa văn hóa truyền thống, đưa tinh hoa văn hóa dân tộc đến với bạn bè năm châu. Trong nước, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhiều địa phương, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... lại có những lễ hội văn hóa đặc sắc dành cho kiều bào về quê hương đón Tết và các chương trình dành cho người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam đón Tết Việt. Những hoạt động văn hóa ấy chính là cầu nối để đưa Tết Việt ra thế giới, giúp văn hóa truyền thống của dân tộc thẩm thấu, lan tỏa trong môi trường văn hóa, văn minh hiện đại toàn cầu. Thông qua những hoạt động ấy, bạn bè quốc tế có cơ hội tìm hiểu, đồng cảm sâu sắc hơn với đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam.

Trong môi trường hội nhập, với sự tác động mạnh mẽ, toàn diện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, văn hóa truyền thống ngày càng đóng vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế. Cùng với nhiều nước châu Á, Tết Nguyên đán là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, có giá trị lịch sử và ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Trải qua chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, phong tục truyền thống ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành hồn cốt của các thế hệ đồng bào ta.

Chính vì ý nghĩa tín ngưỡng, giá trị truyền thống thiêng liêng ấy nên việc quảng bá văn hóa truyền thống thông qua nghi lễ, phong tục đón Tết Nguyên đán của dân tộc đến với thế giới trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin càng phải được coi trọng. Hiện nước ta có hơn 4 triệu kiều bào ở khắp thế giới. Nếu như trước đây, việc quảng bá văn hóa chủ yếu mang tính tự phát, thụ động thì những năm gần đây, chúng ta đã coi Tết Nguyên đán là cơ hội để quảng bá văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực cho vấn đề này. Hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, phát triển du lịch... ở các địa phương phát triển mạnh vào dịp Tết. Dòng kiều hối đổ về đất nước theo đó cũng tăng mạnh.

 Trong môi trường hội nhập, Tết Việt không chỉ có ý nghĩa truyền thống đoàn viên sum họp của người dân mà còn là sứ giả quảng giao văn hóa, đưa hình ảnh đất nước, con người và nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt ra thế giới, là bệ đỡ, đòn bẩy để phát triển, tăng tốc về kinh tế. Chính vì vậy, để đưa Tết Việt ra thế giới và để thế giới hiểu hơn văn hóa truyền thống, gần gũi, tin tưởng, yêu quý hơn đất nước, con người Việt Nam, mỗi người dân, kiều bào ta hãy luôn là một sứ giả tích cực, thân thiện và có trách nhiệm với hình ảnh, truyền thống văn hóa dân tộc. Hãy đem những gì đẹp nhất, thể hiện những gì tốt nhất để Tết Việt và văn hóa truyền thống, đất nước, con người Việt Nam luôn tỏa sáng trong mắt bạn bè quốc tế.

PHAN TÙNG SƠN