Chị Nguyễn Thị Hằng, quê ở Lý Nhân, Hà Nam, làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Mỗi dịp cuối năm, chị lo nhất là làm thế nào để đưa gia đình 4 người về quê ăn Tết. Đường xa, chi phí đi lại, quà biếu họ hàng, tiền chi tiêu ngày Tết... là con số không nhỏ với mức thu nhập của gia đình.

Bình thường đã khó, khi dịch Covid-19 ập đến, đường về quê của gia đình chị trở nên xa vời vợi. Hai năm qua, gia đình chị chưa thể về quê, dù nội, ngoại vì mong con, nhớ cháu nhiều lần thúc giục.

Không riêng chị Hằng, hiện nhiều gia đình công nhân lao động, sinh viên cũng ở vào hoàn cảnh tương tự. Năm nay, dự báo số lượng người về quê ăn Tết sẽ ít đi, song nhu cầu về quê của người dân thì không giảm. Khi dịch bệnh bùng phát, số ca nhiễm tăng lên, trong lòng mỗi người con tha hương càng cháy bỏng khát vọng về quê.

leftcenterrightdel

 Năm nay, dự báo số lượng người về quê ăn Tết sẽ ít đi, song nhu cầu về quê của người dân thì không giảm.

Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19: Thethaovanhoa.vn

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để đi lại và chi tiêu ngày Tết, đặc biệt là nhiều người đang có thu nhập bấp bênh vì công ty, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn tâm lý kỳ thị những người từ nơi xa về.

Cộng thêm quá trình di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác vẫn chưa thể bình thường như trước. Khó khăn là vậy, nhưng thật khó đòi hỏi những doanh nghiệp vận tải hành khách giảm giá vì chính họ cũng đang là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành, triển khai nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội; các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng xã hội vừa căng sức chống dịch Covid-19, vừa chi nhiều khoản tiền hỗ trợ các đối tượng khó khăn.

Nhưng dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, nhiều người vẫn đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Phát huy truyền thống "thương người như thể thương thân", Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa phối hợp với một số đơn vị công bố Chương trình “Tết chung một nhà”.

Thông qua chương trình này, sẽ có 270 vé máy bay, 1.530 vé xe khách và 200 vé tàu được hỗ trợ cho khoảng 2.000 công nhân, lao động và sinh viên tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai về quê dịp Tết Nguyên đán 2022. Những hỗ trợ trên tuy mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu về quê ăn Tết của những đối tượng khó khăn nhưng đã thể hiện tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, lan tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc, gắn kết gia đình.

Trong lúc cam go nhất của cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, những cán bộ tổ dân phố, khu dân cư, phụ nữ, công đoàn, thanh niên và mọi người dân đã xây dựng tốt “pháo đài” chống dịch, thì bây giờ, cũng chính họ cần đứng ra mời gọi, vận động, thông tin và hỗ trợ những người khó khăn có thể được về quê ăn Tết.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp của người dân vùng tâm dịch san sẻ những gói mì, cân gạo, mớ rau để cùng nhau vượt qua khó khăn. Song để giúp đỡ những người con xa quê được sum vầy bên gia đình dịp Tết đến, xuân về thì cần chi phí nhiều hơn thế.

Một đồng tiền giúp bất cứ ai trong những lúc khó khăn đều rất đáng quý, đáng trân trọng. Mong sao, nhiều người con xa xứ, trong đó có chị Hằng sẽ được "Tết chung một nhà" với những người thân yêu.

HỮU TRƯỞNG