Một trong những bài học đầu tiên trang bị cho con trẻ chính là lòng biết ơn gia đình, quê hương và cội nguồn dân tộc. Bởi như Bác Hồ từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Trong giai đoạn đất nước đang hội nhập, phát triển, sự giao thoa văn hóa tiếp biến mạnh mẽ, “lớp bụi thời gian” ngày một phủ dày lên các giá trị lịch sử truyền thống thì những hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử dân tộc ngay từ trên ghế nhà trường là điều cần thiết, bổ ích.

 Được trải nghiệm thực tế, mắt thấy tai nghe, thậm chí là được bước xuống hầm hào công sự, nơi ghi dấu chiến công của cha ông chính là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất. Từ đó giúp các em bồi đắp thêm niềm tự hào, niềm tin vào sức mạnh dân tộc, hình thành nhân cách người Việt Nam kiên cường, bất khuất, sẵn sàng chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù. Đây cũng là một trong những hoạt động giáo dục góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho con trẻ. Đúng như mục tiêu của chương trình giáo dục, học tập trải nghiệm giúp người học có được kiến thức, kỹ năng, tình cảm và ý chí nhất định.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: QĐND

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu trẻ “đi một ngày đàng” học được “một sàng khôn”. Thời gian qua, nhiều hoạt động trải nghiệm nhưng thiếu tính giáo dục hoặc gắn mác giáo dục lịch sử truyền thống để phục vụ mục đích kinh doanh, thu phí cao đang gây bức xúc trong xã hội. Cách đây chưa lâu, dư luận bức xúc chuyện học sinh một trường THPT tại Hà Nội phải nhận điểm 0 ở 8 môn học nếu không tham gia tìm hiểu quần thể Khu di tích lịch sử-văn hóa tâm linh chùa Bái Đính và Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình). Thực chất đây là hoạt động gắn mác trải nghiệm học tập lịch sử để học sinh tham quan có thu phí.

Nhưng xin khoan chưa bàn đến hiệu quả giáo dục. Thực tế hiện nay, nhiều di tích lịch sử đang xem nhẹ phần tuyên truyền giá trị lịch sử mà chủ yếu tập trung đầu tư hoạt động giải trí, thu phí. Chuyện “khoác áo mới” cho di tích, rồi thương mại hóa các cơ sở di tích lịch sử đang gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân. Nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn tham gia tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các rủi ro, phản tác dụng giáo dục và mang đến nhiều hệ lụy, hậu quả về mặt đạo lý, đạo đức xã hội...

 Thiết nghĩ, hoạt động trải nghiệm học tập lịch sử nói riêng, hoạt động học tập trải nghiệm nói chung cần phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, trên tinh thần tự nguyện, thống nhất giữa gia đình và nhà trường. Điều cần nhất là phải xác định đúng mục đích giáo dục, xây dựng kế hoạch cụ thể sát thực, gắn chặt với chương trình đào tạo của mỗi trường và ngành giáo dục. Có như vậy, các em học sinh mới có thêm kiến thức, kỹ năng, từng bước trưởng thành trong nhận thức và hành động.

PHẠM KIÊN