Bước qua giai đoạn lúng túng ban đầu, các địa phương đều nhanh chóng xác định nhu cầu di chuyển về quê của người dân là chính đáng. Việc tổ chức đưa đón, tiếp nhận được triển khai chặt chẽ, chu đáo hơn; nhiều địa phương còn tiến hành ngay các giải pháp nhằm tạo việc làm cho người trở về tại chính quê hương mình.
Tại tỉnh Hậu Giang, nơi có hơn 20.000 công dân trở về trong những ngày qua, cùng với việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ, địa phương đã rà soát lại tình trạng việc làm, độ tuổi lao động, nguyện vọng của những người trở về để kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn xem xét tuyển dụng; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế dành cho người lao động với nhiều hình thức phù hợp.
 |
Người dân Phú Yên được đưa về quê miễn phí từ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Vnexpress |
Cùng thời điểm này, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội nhưng tỉnh Cà Mau đã chủ động bắt tay vào khảo sát, thống kê tình hình sở hữu đất sản xuất, ngành nghề chuyên môn, nhu cầu đào tạo trong tổng số hơn 23.000 người trở về để có phương án giải quyết phù hợp, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Đồng hành với các cấp chính quyền, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng không đứng ngoài cuộc. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh: Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP Cần Thơ... đề xuất tiếp nhận lao động từ các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ trở về sau khi cách ly và có giấy xác nhận hoàn thành cách ly theo quy định. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có chính sách tổ chức đào tạo nghề cho người lao động nếu muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Sự dịch chuyển, hồi hương của người dân ĐBSCL trong những ngày qua được ví như cuộc “di dân ngược”. Bởi theo thống kê, trong 10 năm qua có hơn 1,3 triệu người từ ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ tìm kiếm việc làm. Trong 10 năm qua, khi nhiều khu, cụm công nghiệp được mở rộng đến các vùng nông thôn; nhiều ngành, nghề mới xuất hiện thì các cấp, các ngành ở ĐBSCL cũng thường xuyên than phiền tình trạng thiếu hụt nguồn lực lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo. Trong khi đó, công tác đào tạo nghề được triển khai rộng khắp nhưng kém hiệu quả do không gắn kết với nhu cầu thực tế. Nhìn lại dòng người trở về hôm nay, trong số họ tuy ban đầu phần lớn là lao động giản đơn, xuất thân từ nông thôn, chưa qua đào tạo nhưng theo thời gian và làm việc trong môi trường mới, những lao động này đã thạo việc, có kinh nghiệm, quen với tác phong công nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, với điều kiện kinh tế-xã hội đã được cải thiện, các địa phương vùng ĐBSCL cần xem đây là nguồn lực mới cho phát triển để có chính sách "giữ chân" lao động, góp phần thực hiện tốt mục tiêu “ly nông bất ly hương”. Với sự vào cuộc của các tỉnh ĐBSCL trong tạo việc làm cho người lao động trở về từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh, hy vọng thời gian tới họ sẽ ổn định cuộc sống tại chính quê hương của mình.
HỒNG BỈNH HIẾU