Lời phát biểu ấy của Tổng Bí thư thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân đã được tin tưởng trao trọng trách cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành ba mũi nhọn bứt phá của kinh tế Việt Nam. Ba thành phần kinh tế trong nước nói trên đều có cơ hội phát triển và có trách nhiệm đóng góp chủ yếu vào sự phát triển chung của đất nước, mang lại no ấm cho nhân dân. Đó có thể nói là một xác định mang tính đột phá, mang tính khích lệ rất lớn của Đảng, là cơ sở để tạo ra một không gian kinh tế công bằng cả về cơ chế, chính sách và cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho tất cả các thành phần kinh tế trong nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: thesaigontimes.vn.
Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ bị kỳ thị, coi nhẹ, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận "là một trong những động lực" và đến nay "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên thực tế, kinh tế tư nhân đã ngày càng phát triển; tỷ trọng trong GDP đã chiếm 39%-40%; đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.
Nhưng đồng thời, chúng ta có thể nhận thấy rằng, quy mô của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay nhìn chung còn manh mún với 97,6% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ; kinh tế hộ gia đình vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Những mặt trái của kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ rõ như: Không ít doanh nghiệp tư nhân còn tìm cách trốn thuế, không đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động. Một số doanh nghiệp tư nhân còn làm ăn theo kiểu chụp giật, ngắn hạn, chỉ vì lợi ích của bản thân doanh nghiệp mình mà bất chấp lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. Một số ông chủ tư nhân sa vào lối sống vương giả với xe sang, biệt thự “triệu đô” mà không quan tâm đến trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước...
Cùng với đó, trong hệ thống quản lý, bên cạnh hiện tượng o bế các doanh nghiệp tư nhân thân hữu, nhìn chung vẫn còn những khó khăn cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân, trước hết là ở thái độ e ngại, ví dụ như: Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương ngại tiếp xúc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết có Chủ tịch UBND tỉnh mấy năm liền không tiếp xúc với doanh nghiệp tư nhân); ngân hàng ngại cho vay vốn... Doanh nghiệp tư nhân cũng không dễ tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tài nguyên thiên nhiên...
Vì thế, trong thời gian tới, để kinh tế tư nhân phát huy được hết vai trò, tiềm năng của mình, rõ ràng cần phải có đột phá trong tư duy và hành động, trong cách ứng xử của các cán bộ, đặc biệt là ở cấp cơ sở, những nơi trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp tư nhân; thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản, tạo cơ hội phát triển công bằng đối với kinh tế tư nhân.
Tất nhiên cũng cần hiểu rằng, cuộc chơi của kinh tế thị trường là cuộc chơi của tính hiệu quả. Ở kinh tế thị trường không thể có sự phát triển bền vững nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, doanh nghiệp tư nhân cần phải chủ động, phát huy thế mạnh là trí tuệ và sự sáng tạo để vươn lên. Cùng với đó, các ông chủ tư nhân cũng phải luôn mang trong mình khát vọng quốc gia, khát vọng dân tộc. Sự vươn lên của họ, doanh nghiệp của họ không phải chỉ vì chính họ mà còn vì cộng đồng, vì đất nước. Nếu có một tư duy như thế thì kinh tế tư nhân mới thực sự trở thành một chỗ dựa vững chắc của kinh tế đất nước.
HỒ QUANG PHƯƠNG