Tuy nhiên, điều đáng lo là dù tập trung đông người nhưng phía vào khu vực lễ không hề có dung dịch sát khuẩn, không giữ khoảng cách an toàn và rất ít đại biểu đeo khẩu trang.

Trước việc xuất hiện biến thể phụ của biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh và nhiều địa phương ghi nhận ca nhiễm theo thông tin từ Bộ Y tế thì sự thờ ơ trên đã dấy lên lo ngại trong dư luận về sự lây nhiễm dịch Covid-19. Đặc biệt là sắp tới đây, để kích cầu du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 và Giỗ Tổ Hùng Vương kéo dài đến 5 ngày, bên cạnh việc mở rộng đường bay, một số địa phương lên kế hoạch xây dựng các hoạt động vui chơi, lễ hội. Dự kiến mỗi địa phương thu hút một lượng lớn khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa / TTXVN 

Chúng ta vẫn chưa thể quên những hậu quả do đợt dịch Covid-19 lần thứ tư gây ra. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, lấy đi sinh mạng của hàng nghìn người. Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang chứng kiến sự “trỗi dậy” của Covid-19 sau những đợt nghỉ lễ, các lễ hội truyền thống. Với tâm lý “xả hơi” sau nhiều ngày làm việc và thói quen tụ họp, tập trung đông người trong các dịp lễ, tết, đặc biệt, trong điều kiện phần lớn người dân đã được tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng Covid-19 nên nhiều người có tư tưởng chủ quan, xem nhẹ các quy định phòng, chống dịch. Sau mỗi lần như vậy, thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị lại bị thách thức lớn. Đây là bài học đắt giá mà không chỉ người dân, cả cơ quan chức năng cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh tái diễn.

Cần nhắc lại rằng, để có thể sống trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 như hiện nay, chúng ta đã phải trải qua cả một trận chiến rất cam go với cái giá phải trả là vô cùng đắt. Đó chính là sinh mạng của hàng chục nghìn đồng bào đã tử vong trong dịch bệnh và vô vàn những thiệt hại, hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Để tránh lặp lại những mất mát không đáng có, “vắc-xin” ý thức tự giác của người dân vẫn là quan trọng nhất. Vì mình và cả cộng đồng, mỗi người dân, cơ quan, đơn vị cần đề cao ý thức trách nhiệm, thực hiện triệt để khuyến cáo của Bộ Y tế; không được chủ quan, lơ là chống dịch.

Vui chơi giải trí trong dịp nghỉ lễ là quyền lợi và mong muốn chính đáng của mỗi người. Song sẽ không ai muốn vì niềm vui của cá nhân lại khiến dịch bệnh tái bùng phát. “Nỗi lo nghỉ lễ” chỉ thực sự không còn khi mỗi người có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình, gia đình và sự an toàn của cộng đồng, xã hội.

THÚY AN