Thực tế hiện nay, cuộc sống của người lao động, nhất là công nhân còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, việc tăng lương để người lao động có cuộc sống tốt hơn, để tái tạo được sức lao động, để chăm lo tốt hơn cho con cái là yêu cầu hết sức chính đáng và được cả hệ thống chính trị quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp (DN)-bên chịu trách nhiệm trả lương cho công nhân cũng phải đối mặt với cuộc chiến thương trường khốc liệt. Trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước có hơn 90.500 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; thế nhưng, cũng có 43.274 DN phải tạm ngừng hoạt động. Như thế, cứ 2 DN được thành lập mới, quay trở lại hoạt động thì lại có 1 DN phải tạm dừng hoạt động. Lãnh đạo của nhiều DN cho biết, họ chỉ mong có lợi nhuận khoảng 10-15% đã mừng lắm rồi. Vì thế, mỗi lần đến kỳ phải tính toán để nâng lương cho người lao động là lãnh đạo DN lại rất lo lắng. Bởi các DN phải cân đối lại chi phí, phải nâng giá sản phẩm và như thế sẽ ảnh hưởng tới cạnh tranh, ảnh hưởng tới lợi nhuận. Hơn nữa, phạm vi cạnh tranh hiện nay không chỉ bó gọn trong nền kinh tế Việt Nam mà là cạnh tranh toàn cầu.

leftcenterrightdel
Tăng lương để người lao động có cuộc sống tốt hơn. Ảnh minh họa/nguồn internet.
Nếu mức tăng lương tối thiếu vùng năm 2018 được Chính phủ chấp thuận ở mức 6,5% thì có nghĩa là từ năm 2009 đến nay, mức lương tối thiểu vùng từ vùng 1 đến vùng 4 đã tăng từ 396% đến 497%. Như thế là lương trong nền kinh tế của chúng ta tăng gần 4-5 lần trong khoảng 10 năm. Đó là cả một nỗ lực đáng ghi nhận của các doanh nghiệp.

Thế nhưng, năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam lại chưa tăng nhanh như vậy. Theo nghiên cứu của Bộ Công Thương, nếu như năm 1990 năng suất lao động khoảng 2.800USD/người thì đến hết năm 2016 tăng lên được hơn 8.000USD/người/năm, tăng gần 3 lần sau 26 năm.

Mấy năm trước, có năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đến 18,58% (năm 2011) thì năm nay, CPI có khả năng chỉ tăng dưới 4% đạt chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội. Như thế, sức ép về tăng giá sinh hoạt phí trong năm nay không nhiều như trước. Và mức lương nếu được tăng ở mức 6,5% đã cao hơn mức tăng CPI theo tính toán.

Việc tăng lương tối thiểu giúp người lao động có một mức sống tối thiểu là một yêu cầu bức thiết. Thế nhưng việc tăng lương cũng cần bảo đảm còn dư địa cho DN phát triển và có sức cạnh tranh. DN có tiếp tục phát triển thì người lao động mới tiếp tục được trả lương và được nâng lương. Người lao động cũng cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công việc, nỗ lực đóng góp, có ý thức tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, để giúp cho năng suất lao động tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng, lợi nhuận của DN tăng, từ đó sẽ tạo cơ sở vững chắc hơn cho việc nâng lương, trả thưởng. Đóng góp cho DN, bảo vệ sự phát triển bền vững của DN cũng là vì lợi ích bền vững của người lao động. Yêu cầu “tăng lương thực chất” là rất quan trọng, nhưng yêu cầu “tăng lương bền vững” còn quan trọng hơn nhiều.

HỒ QUANG PHƯƠNG