Khác với loại hình bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc dành cho công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, BHXH tự nguyện hướng đến đối tượng là lao động tự do. Việc tham gia loại hình BHXH này hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, người lao động được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với bản thân.

Không chỉ được nhận lương hưu khi đủ điều kiện, người tham gia BHXH tự nguyện còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, người thân được hưởng chế độ tử tuất. Tính ưu việt của chính sách BHXH góp phần rất lớn để người lao động có điểm tựa, nguồn thu nhập ổn định, thêm điều kiện chăm lo cuộc sống, giảm bớt khó khăn, rủi ro nhất là khi hết tuổi lao động.

 Ảnh minh họa: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Với những lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện, mục tiêu mở rộng độ phủ của các chính sách an sinh xã hội đang từng bước được cụ thể hóa.

Tuy nhiên, cần nhìn một thực tế là tỷ lệ người lao động đóng BHXH tự nguyện còn thấp so với tổng số người trong độ tuổi lao động. Không ít người ngần ngại tham gia, thậm chí một số đã dừng đóng tiếp BHXH tự nguyện khi mức đóng được điều chỉnh tăng từ đầu năm 2022. Vì vậy, việc tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách mới cần được thực hiện tích cực, sâu rộng hơn nữa, mang đến thông điệp dễ hiểu, dễ tiếp nhận.

Trong đó, cần chú trọng nêu rõ quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên tương ứng với mức đóng. Song hành với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, thu nhập của người dân được nâng lên, do đó, cơ sở để tính mức đóng tối thiểu của BHXH tự nguyện cũng cần điều chỉnh cho phù hợp.

Một bộ phận không nhỏ lao động tự do vốn có thu nhập bấp bênh, không ổn định, trước những ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh hay những tác động tiêu cực không mong muốn, đây là đối tượng rất dễ bị tổn thương. Việc quan tâm đến lao động tự do thông qua mạng lưới an sinh, trong đó có BHXH tự nguyện luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng, đẩy mạnh.

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, nhất là với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để tăng sức hấp dẫn của BHXH tự nguyện, cần nghiên cứu để mở rộng hơn nữa mức hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là với những người thu nhập thấp, điều kiện tích lũy còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các quy định về BHXH tự nguyện cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, linh hoạt hơn về mức đóng, thời gian đóng, đa dạng các lựa chọn giúp người lao động dễ dàng tham gia. Đồng thời, cần đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy, lắng nghe và chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Việt Nam đang hướng đến xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, hiện đại, không chỉ mở rộng diện bao phủ mà còn nhấn mạnh đến tính bền vững, hiệu quả, thực chất.

Cùng với bàn tay “bà đỡ” của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, chung tay của xã hội sẽ giúp BHXH tự nguyện nói riêng và các chính sách an sinh nói chung đến gần hơn với toàn dân, tạo sự công bằng, bình đẳng và vững tâm cho mọi đối tượng lao động.

ĐỖ MẠNH HƯNG